Tin mới

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về vụ bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kêu cứu

Thứ sáu, 07/06/2019, 08:55 (GMT+7)

Sau khi xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết đã chuyển đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Theo tin tức trên Dân Việt, Trí thức trẻ, bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 6/6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kiến nghị đến ông về bản án sơ thẩm vụ ly hôn của bà với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Khi quay về Trung Nguyên, bà Diệp Thảo bị cản trở tại cổng vào. Công an địa phương có mặt ghi nhận vụ việc. Ảnh: VNN

Sau khi xem xét một cách nghiêm túc, ông Nhưỡng cho biết đã chuyển đơn này đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân, đúng Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án, các luật tố tụng có liên quan đảm bảo tính công lý, công bằng, tư pháp của vụ án này.

"Tôi đã nghiên cứu và thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Thứ nhất, trong đơn bà Diệp Thảo rất phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng, rồi việc liên quan tới lời khuyên của thẩm phán. Bà Thảo cho rằng còn có lúc bị lừa để thực hiện các việc để hợp pháp hoá cho các vấn đề pháp lý", ĐB Nhưỡng nêu quan điểm và cho rằng đây là vấn đề rất lớn. Trong quá trình xét xử có những vấn đề bộc lộ rất rõ là không bình thường như vấn đề đánh giá các loại chứng cứ và xác định các vấn đề về tài sản. Đối với một vụ án liên quan tới rất nhiều tài sản cần phân chia thì nếu tòa án không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo.

Điều ông Nhưỡng thấy băn khoăn nhất chính là việc “toà án tự quyết định thay các đương sự”. Toà án không có thẩm quyền quyết định việc “người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty.

Theo ông Nhưỡng, hiện nay theo bà Thảo cho biết, bà ấy đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty theo quy định của pháp luật. Công ty không chỉ là vấn đề tài sản mà còn liên quan tới quyền lực, quyền lực này còn thể hiện tính nội bộ của nó, nhưng lại là một vấn đề thể hiện trước xã hội.

"Bà Thảo bị tước cả danh hiệu nội bộ lẫn sự ảnh hưởng xã hội và chỉ trở thành người cầm tiền. Như vậy, câu chuyện này là lỗi của tòa án. Chúng ta phải xem xét hết sức thận trọng tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp", vị Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét.

Về việc bản án sơ thẩm ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị Viện KSND TP.HCM kháng nghị hủy, theo ông Nhưỡng, đây là việc không nằm ngoài dự đoán của mọi người. "Ở đây, không phải bênh vực ai mà phải đứng trung lập để xem xét. Đồng thời, là người giúp việc trong việc cải cách tư pháp, tôi cảm nhận đây là một trong vụ án mà việc xét xử gây ra nhiều bình luận trái chiều nhất về một Tập đoàn", ông Nhưỡng bày tỏ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news