Tin mới

ĐBQH: "Nhiều ông bố, bà mẹ bỗng dưng sở hữu nhiều tài sản, DN, biệt phủ, xe sang"

Thứ năm, 06/09/2018, 14:34 (GMT+7)

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, qua nhiều vụ án tham nhũng đã và đang được xét xử cho thấy nhiều tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, qua nhiều vụ án tham nhũng đã và đang được xét xử cho thấy nhiều tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...

nhieu ong bo ba me bong dung so huu biet phu va xe sang hinh 1
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt. Ảnh: VOV

 

Phát biểu góp ý dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay (6/9), ĐB Đinh Duy Vượt, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Gia Lai nhấn mạnh, việc xác định đối tượng kê khai là mấu chốt kiểm soát tài sản. Năm nào cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì nhiều trong đấu tranh PCTN.

Trên VOV dẫn lời vị đại biểu này cho rằng, nếu chỉ quy định phạm vi người thân phải kê khai như dự thảo thì chưa xoáy vào “tảng băng chìm” là những đối tượng mà nhân dân hoài nghi. Cử tri muốn mở rộng đối tượng kê khai vì “với minh chứng thực tiễn khiến dư luận dậy sóng không thể bỏ qua”.

“Nhân dân đều biết nhiều ông bố, bà mẹ bỗng dưng sở hữu nhiều tài sản, đứng tên nhiều doanh nghiệp, biệt phủ, xe sang mà được coi là của thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu dù tuổi còn ít nhưng có tài sản khủng, trơ trơ thách thức dư luận” – ông Đinh Duy Vượt dẫn “căn cứ từ cuộc sống”.

Ông dẫn các vụ án tham nhũng cho thấy nhiều tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...

Ông cũng bổ sung thêm: "Riêng tài sản cho chân dài là chưa bị lộ" và cho rằng tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà biến hoá như ma trận, lòng vòng, nhưng cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ.

“Tham nhũng để làm gì? Câu trả lời là “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp cũng nằm ở đây. Ý kiến của nhân dân muốn mở rộng người thân phải kê khai tài sản, thu nhập.

Cứ băn khoăn quyền này quyền kia của công dân thì không đánh được vào gốc rễ của tham nhũng. “Vàng sợ gì lửa” mà không kê khai. Người có chức, thực quyền mới “nuôi gà đẻ trứng vàng”, “sân sau”, tham nhũng...” – vị đại biểu đoàn Gia Lai nêu ý kiến thẳng thắn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn.

Tuy nhiên việc không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng chưa có cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Trước đó, chiều ngày 5/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

Theo ghi nhận của báo Thanh niên tại phiên họp, báo cáo của Chính phủ do ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, trình bày tại phiên họp cho biết, năm 2018, có gần 1,137 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.

Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban, trình bày, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng năm 2018 chỉ xác minh đối với 44 người trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai.

Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017).

Trong đó, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại Tp.Hà Nội.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news