Tin mới

ĐBQH nói về vụ cô giáo khóc khi nhận lương hưu: Đã bù thêm 37.000 đồng mới đủ 1,3 triệu

Thứ ba, 31/10/2017, 14:41 (GMT+7)

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, sở dĩ cô giáo Lan nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu sau 37 năm công tác là do thời gian đóng, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên nền rất thấp.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, sở dĩ cô giáo Lan nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu sau 37 năm công tác là do thời gian đóng, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trên nền rất thấp.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 22 năm đóng bảo hiểm xã hội và nhận hệ số lương hưởng đến ngày nghỉ hưu vào tháng 9/2017 là 3,46.

Theo đó, trong quyết định nghỉ hưu, giáo viên này được được hưởng với số tiền 1.268.000 đồng/tháng, cộng thêm khoản trợ cấp 32.000 đồng, tổng là 1,3 triệu đồng/tháng.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trường hợp của cô Lan công tác trong ngành 37 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy bằng cách tự nguyện, hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm.

Thực chất, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của cô Lan là 22 năm 8 tháng và toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân đóng bảo hiểm các năm là 1,8 triệu đồng. Khi cô Lan về hưu là hơn 22 năm, tương đương với 69% trên mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.

"Như vậy 69% nhân với 1,8 triệu đồng thì lương hưu của cô Trương Thị Lan được hưởng là 1.262.158 đồng. Nghị quyết 2015 của Quốc hội quy định tất cả người lao động tham gia BHXH bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở.

Thế cho nên Nhà nước đã bù thêm cho chị Lan hơn 37.000 đồng nữa mới đủ 1.300.000 đồng. Như vậy, ở đây không phải là làm sai mà chúng ta đang thực hiện cải cách Chính sách tiền lương, tính theo cách đóng cao thì hưởng cao và thời gian đóng kéo dài hơn...", ông Lợi nói.

Về nguyên nhân của việc cô Lan chỉ được hưởng mức lương hưu 1,3 triệu, ông Lợi giải thích, đầu tiên là do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít. Thứ hai là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp, chỉ có 1,8 triệu.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lợi, bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia.

"Bởi khi về hưu rất thấp, không đủ sống. Vì vậy, cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương, cụ thể tăng thời gian đóng bảo hiểm, nữ là 30 năm, nam là 35 năm để đủ 75% thì mức sẽ cao hơn", ông Lợi nêu.

Vị ĐBQH này cũng cho hay, Hội nghị Trung ương 7 tới đây sẽ phải đặt vấn đề xem xét, người về hưu có mức sống tương đồng nhau.

"Không có đất nước nào công bằng được hết cả, nhưng tối thiểu người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối tiểu chung của xã hội, sau đó anh nào đóng góp cao hơn thì được hưởng nhiều hơn", ông chia sẻ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news