Tin mới

ĐBQH: Vụ án Nguyễn Hữu Linh cần phải tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ

Thứ sáu, 24/05/2019, 14:40 (GMT+7)

Các đại biểu cho rằng, ông Nguyễn Hữu Linh có vị trí về chức quyền mà lại vi phạm thì đối với trường hợp này tình tiết phải tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ.

Ngày 22/5, Viện KSND quận 4 đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, đang cư trú Q.2, TP.HCM) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015.

Bị truy tố về hành vi này, ông Linh sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Theo các cơ quan tố tụng tại quận 4, hành vi của Nguyễn Hữu Linh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Đồng thời, bản thân bị can là người từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến Cơ quan tư pháp nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bị can Linh luôn hợp tác, bản thân có nhân thân lai lịch tốt, chưa có tiền án tiền sự nên đề nghị HĐXX xem xét trong quá trình lượng hình.

Cáo trạng cũng nêu, về trách nhiệm dân sự, cha mẹ của cháu bé không yêu cầu xử lý vụ việc cũng như yêu cầu Nguyễn Hữu Linh bồi thường dân sự.

Đánh giá về vụ án này, nên hành lang Quốc hội sáng 24/5, các đại biểu cho rằng cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe.

Trên VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi. Ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Ông Nguyễn Hữu Linh từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng đã vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe.

Theo ĐB Phương, việc tăng nặng hay giảm nhẹ thì phải dựa vào quy định của pháp luật để có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Cái này pháp luật đã quy định thì các cơ quan trực tiếp xử lý và xử án thì cần phải xem xét.

"Đối với trường hợp này là trường hợp mà dư luận xã hội lên án và đặc biệt có vi phạm đối với cá nhân anh có hiểu biết về pháp luật, có vị trí về chức quyền mà anh lại vi phạm thì đối với trường hợp này tình tiết phải tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ", vị đại biểu đoàn Quảng Bình nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm của ông Phương, ĐB Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng, việc áp dụng những tình tiết giảm nhẹ phải được căn cứ trên quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần căn cứ trên thực tiễn khách quan.

Theo bà Hải, ông Nguyễn Hữu Linh là nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng, có thâm niên công tác trong ngành, là người am hiểu pháp luật. Vì vậy, ông Linh biết rõ tội danh, mức độ phạm tội của mình. Nếu áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì phải cân nhắc thận trọng, quan tâm tới dư luận của người dân, tác động xấu của hành vi đó đến dư luận xã hội.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news