Tin mới

Thí sinh thích đề Văn "cầu thủ U23 hát vang Quốc ca tại SEA Games"

Thứ năm, 11/06/2015, 14:00 (GMT+7)

Sáng nay, các thí sinh thi vào lớp 10 tại TP.HCM đã thi môn Văn với thời gian làm bài 120 phút. Theo nhiều thí sinh, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở liên hệ với thực tế khiến học sinh hào hứng, thích thú.

Theo nhận xét của đa số thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP HCM, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi mở liên hệ với thực tế khiến học sinh hào hứng, thích thú.

Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 tại TP HCM năm nay có 3 câu, trong đó câu đầu tiên đề đưa ra trích đoạn bài báo nói về cảm xúc của một gia đình khi xem cầu thủ cất vang Quốc ca trước trận đấu bóng đá tại SEA Games, từ đó yêu cầu thí sinh liên hệ với tình trạng hát Quốc ca trong nhà trường.

Thí sinh thích thú với đề Văn
Đề thi Văn vào lớp 10 tại TP HCM

Bạn Bảo An Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) chia sẻ: "Việc ra đề thi gắn với sự kiện SEA Games đang diễn ra vừa sáng tạo lại vừa gần gũi với thực tế nên em rất thích. Mỗi cầu thủ khi đi thi đấu đều tự hào cất cao bài quốc gia đại hiện cho hồn phách dân tộc mình nên vô cùng thiêng liêng, hào hùng. Trong khi đó, nhiều bạn học sinh khi hát Quốc ca vẫn còn có thái độ chưa nghiêm túc, thậm chí có bạn chưa thuộc chính xác nội dung."

"Lần nào hát Quốc ca em cũng thấy thổn thức vô cùng, cảm giác như có một luồng điện chạy trong người. Có lúc em còn dưng dưng vì thấy quã đỗi tự hào về dân tộc mình và biết ơn những người cha, người anh đã chiến đâu và hi sinh để chúng em có cuộc sống hòa bình hôm nay.", bạn Lan Anh, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ.

Đề thi môn Văn vào lớp 10 tại TP.HCM khiến thí sinh hứng thú. Ảnh minh họa

Ngoài phần nhận xét về tình trạng hát Quốc ca, câu 2 của đề thi đề cập lối sống vô cảm của một bộ phận giới trẻ cũng khiến thí sinh hứng thú.

Bạn Tâm Anh đã chia sẻ cảm xúc của mình: "Bình thường thì em chẳng nghĩ tới lối sống của mình, nhưng đề thi ra câu hỏi như vậy khiến em nghĩ về những gì mà em đã làm. Có lẽ em đã sống hơi vô cảm và thiếu quan tâm tới những người xung quanh em, đặc biệt là những người thân trong gia đinh. Ngoài việc học, em dành nhiều thời gian cho máy tính mà ít chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ."

Tại Hà Nội, đề thi năm nay được đánh giá rất khoa học, gợi mở, không đánh đố thí sinh và có thể chọn lọc được những học sinh có tư duy tốt.

Cô Nguyễn Kim Anh (Giáo viên dạy Văn, trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội) nhận định: ở phần I, với những thí sinh chăm chỉ học, ôn tập có thể dễ dàng trả lời câu số 1, số 2 và số 3. Bởi những phần này không quá khó, không đánh đố và cũng chưa cần tư duy nhiều. Câu số 4, khó hơn và sẽ phân hóa được trình độ của thí sinh.

Tương tự như vậy, phần II, câu số 1 học sinh có thể kiểm điểm nếu chịu khó học. Câu hỏi số 2 và câu số 3 bắt buộc thí sinh phải suy nghĩ, lập luận và bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.

"Tôi đánh giá, đề thi này rất khoa học, hỏi sâu dần, khó dần. Với những học trò học máy móc thì sẽ trả được phần đầu. Tiếp đến đoạn sau bắt đầu phân hóa được học sinh. Những đoạn mở rất cần thiết, bởi học sinh sẽ phải suy nghĩ, đưa ra những lập luận của mình. Đây là bước chuẩn bị cho những năm tới, bởi 3 năm nữa các con thi đại học thì các con sẽ không còn ngỡ ngàng, bỡ ngỡ nữa. Tôi tin với đề thi này sẽ tìm được những học sinh giỏi", cô Kim Anh nói.

Theo vị giáo viên này, chắc chắn với đề thi năm nay, các trường ở Hà Nội sẽ tìm được những học sinh có khả năng tuy duy, lập luận tốt. Nếu em nào có năng lực lập luận và có hiểu biết thì sẽ có những bài hay và thuyết phục được những người chấm thi.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news