Tin mới

Đề toán lớp 3 hóc búa lên báo Anh: Nhà Toán học cũng "toát mồ hôi"

Thứ sáu, 22/05/2015, 07:49 (GMT+7)

Một đề thi toán của học sinh lớp 3 được cho là đánh đố học sinh và “làm toát mồ hôi” cả những nhà nghiên cứu Toán học.

Một đề thi toán của học sinh lớp 3 được cho là đánh đố học sinh và “làm toát mồ hôi” cả những nhà nghiên cứu Toán học.

Đề bài: "Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho": 

 

Đề toán lớp 3 náo loạn báo quốc tế: Nhà Toán học cũng

Đề toán lớp 3 ở Lâm Đồng làm náo loạn báo quốc tế: Nhà Toán học cũng "toát mồ hôi"

Một bài toán ôn tập thi cuối kỳ II cho học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau khi đọc đề bài và thử giải, có khá nhiều học sinh, sinh viên, những người đã đi làm, thậm chí giáo viên Toán vẫn không thể giải nổi và nếu giải được bài toán cũng mất rất nhiều thời gian. 

PV báo Người Đưa Tin đã mang đề toán này đi gặp gỡ những “cây đa, cây đề” của ngành toán học để ghi nhận cách giải và nhìn nhận về cách ra đề đánh đố học sinh hay tìm “thần đồng phố núi” này. Nhiều ý kiến của những người tham gia giải đề toán đều cho rằng, cách ra đề thi như vậy là đánh đố học sinh, đi ngược lại với tiêu chí giáo dục cơ bản và giảm tải kiến thức. 

Trao đổi thông tin qua điện thoại, một cán bộ văn phòng của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bảo Lộc cho biết: “Chưa rõ đề ôn tập, đề thi trên là của trường nào do việc ra đề là của riêng các trường, phòng không quản lý”. 

Bằng cách đặt ẩn, chuyển hết các số hạng không chứa ẩn về một vế rồi giải phương trình tìm ẩn. Bạn sinh viên đưa ra kết quả gồm 9 số tự nhiên khác nhau từ 1 đến 9 để điền vào các ô trống. Tuy nhiên, ở đây Yến vẫn phải sử dụng các phương pháp toán học ở trình độ cao hơn so với lớp 3 để thực hiện giải. Bài toán có 9! (chín giai thừa) bằng 362.880 cách chọn điền số nhưng chỉ có một số đáp đúng.PV cũng đã trực tiếp đem bài toán trên cho một nhóm sinh viên khá thuộc khoa Sư phạm Toán của trường đại học Khoa học Tự nhiên để nhờ giải và chứng kiến tận mắt quá trình giải. Sau hơn 30 phút làm bài khá vất vả, Yến (sinh viên năm thứ 2) trong nhóm mới có được 1 kết quả của bài toán. 

Sau gần 1 tiếng đồng hồ, Hà và Thuỷ, hai sinh viên khác trong nhóm vẫn còn đang loay hoay chưa tìm được đáp án thích hợp cho bài toán lớp 3 nêu trên. Theo Hà, với thời gian kiểm tra cuối kỳ của học sinh bậc tiểu học thường được các trường quy định từ khoảng 45 – 60 phút thì việc giành thời gian tập trung vào giải bài toán trên là không thể và rất vô lý. Nếu không có phương pháp làm sẽ dẫn đến việc làm mò, “may hơn khôn”, khi không ra được kết quả thì có thể sẽ khiến tâm lý các em học sinh chán nản lúc thi. 

Trong khi với những sinh viên khá giỏi thuộc chuyên ngành Sư phạm về bộ môn Toán tại một trong những cái nôi đào tạo chất lượng hàng đầu cả nước về khoa học cơ bản, đặc biệt là Toán học, cũng mất khá nhiều thời gian để tìm đáp án thì việc bài toán được giao cho học sinh lớp 3 ôn tập chuẩn bị cho thi học kỳ là điều khó chấp nhận và đi ngược lại với chủ trương giảm tải kiến thức cho bậc tiểu học của bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua. 

Đề toán "nát óc" với giáo viên phổ thông trung học 

“Đề này không thể áp dụng và đưa vào chương trình ôn tập của bậc tiểu học”, cô giáo Nguyễn Thị Vinh, giáo viên chuyên Toán lâu năm tại một phổ thông trung học Hà Nội lắc đầu khi đọc đề bài. Hệ nghiệm của phương trình là khá rộng và cách ra đề ở đây cũng mập mờ, không rõ các số từ 1 đến 9 có được phép xuất hiện lặp lại không hay là 9 số tự nhiên khác nhau? Một đề toán “nát óc” đối với ngay cả giáo viên như thế này sao dùng để đánh giá năng lực của học sinh lớp 3 được? 

PGS.TS Lê Minh Hà: "Tôi ngồi giải cũng mất thời gian và không đơn giản" 

Theo PGS. TS Lê Minh Hà, Trưởng khoa Toán – Cơ – Tin (đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định như vậy khi PV hỏi ông và đề nghị giải đề toán của học sinh lớp 3. Nhưng vì nhiều việc nên thầy Minh Hà đã giới thiệu PV tìm gặp những sinh viên chuyên toán để nhờ họ giải. 

Thầy Minh Hà cho rằng: Bài toán này không phải để đưa vào đề ôn tập và cũng không nên cho vào thi học kỳ. Nếu là thi học kỳ thì giáo viên sẽ ra bài tập ở mức độ cơ bản để kiểm tra kiến thức của học sinh trong năm học. Những bài dạng này chỉ mang tính chất đố vui và rèn luyện tư duy cũng như dành cho ai thích thú với kiểu giải toán đố. 

“Kiểu bài này chắc chắn không dùng để thi được vì giải nó có lẽ mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ, thậm chí đề bài này dành được cho học khối cấp II (từ lớp 6 đến lớp 9) cũng đã khó chứ đừng nói lớp 3”, thầy Hà khẳng định. 

Đây tuy là dạng toán là sơ cấp, chỉ là phép tính cộng trừ nhân chia, lớp 3 đã có thể hiểu. Nhưng khi giải lại là một chuyện khác, cần thời gian và phải dùng phương pháp giải ở mức độ cao hơn. Cần ở một trình độ tư duy nhất định để loại bớt các nghiệm của phương trình. 

Theo PGS. Hà phân tích, khi đưa ra đề bài có thể người ra đề không lường trước được mức độ khó khăn đối với học sinh. Bài toán quá khó với các em lớp 3, khi lứa tuổi này chưa đủ trưởng thành về mặt tư duy logic. Chỉ ngoại trừ những em có cách nhìn nhận đặc biệt, có thể thấy ngay cách làm. Nhưng với trình độ mặt bằng chung của lớp 3 thì hơi khó. 

Nguyễn Trần Chung

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news