Tin mới

Đề xuất quyền được chết: Giúp người khác chết có thể đi tù

Thứ năm, 23/04/2015, 07:15 (GMT+7)

Liên quan đề xuất quyền được chết, việc giúp đỡ người khác từ bỏ cuộc sống có thể phạm vào tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” với mức phạt lên đến 7 năm tù.

Liên quan đề xuất quyền được chết, việc giúp đỡ người khác từ bỏ cuộc sống có thể phạm vào tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” với mức phạt lên đến 7 năm tù.

Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã tiếp tục đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự.

Tuy nhiên, đề xuất này đã gây những tranh cãi gay gắt với những luồng ý kiến khác nhau. Trong khi nhiều người ủng hộ bởi thực tế có không ít trường hợp van xin để được chết vì quá đau đớn nhưng luật không cho phép. Tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, điều này là trái với đạo đức, đi ngược lại quy luật, thậm chí nhiều người lên án gay gắt gọi đó là “đề xuất kì quặc” nhất mà họ từng nghe. 

Lý giải về điều này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Các nhà chuyên môn về y học đã chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu chữa được, sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Vì vậy, nên xem xét đưa quyền này vào luật để những người có nhu cầu chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. 

Theo ông Huy, chúng ta có quy định về quyền sống thì cũng nên có quy định về quyền chết. Về mặt pháp luật, ai cũng có quyền được khai sinh, khai tử; nhưng trên hết là quyền được sống. Hiện nay, luật pháp không đặt vấn đề quyền được chết. 

Để làm rõ hơn về đề vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cung cấp cho độc giả cái nhìn trên góc độ pháp lý.

Đề xuất quyền được chết: Giúp người khác chết có thể đi tù

Luật sư Giang Hồng Thanh: "Hành vi giúp đỡ người khác từ bỏ cuộc sống là một tội danh trong Bộ luật hình sự".

 

Nhận định về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: Tại điều 19 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Theo quy định này thì bất cứ ai cũng đều không thể bị tước đoạt quyền được sống của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định. 

“Xa hơn nữa, tại bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên, Điều 3 quy định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. – Luật sư Thanh phân tích. 

Cũng theo luật sư, ở nước ta, cho đến thời điểm này, chỉ những người vi phạm pháp luật hình sự với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng mới có thể bị tước quyền được sống bằng bản án của Tòa án. 

Như vậy có thể hiểu rằng, quyền sống của con người là quyền thiêng liêng, quyền tối cao nhất. Chính vì vậy mà mặc dù đã có nhiều ý kiến từ trước đến nay về “Cái chết nhân đạo”, nghĩa là cho phép người nào đó được chết theo yêu cầu của họ vì mục đích nhân đạo, nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa chấp nhận vấn đề này. 

Thậm chí, hành vi giúp đỡ người khác từ bỏ cuộc sống còn là một tội danh trong Bộ luật hình sự, tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” tại Điều 101 với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù… 

Cần nghiên cứu kĩ 

Tuy nhiên, trên góc độ cá nhân, luật sư Thanh cho biết: “Tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi quan điểm, tiến tới nghiên cứu và áp dụng Quyền được chết vì mục đích nhân đạo.” 

Theo luật sư, trên thực tế có những trường hợp bệnh nhân, nếu kéo dài sự sống cho họ thì chỉ đồng nghĩa với việc kéo dài sự đau đớn mà họ phải gánh chịu rồi sau đó họ cũng vẫn phải ra đi, chẳng hạn như những người ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, thậm chí có những bệnh có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng… 

Nhiều người trong số này không muốn tiếp tục tồn tại trên cõi đời vì không thể chịu đựng nổi những cơn đau hành hạ về thể xác, đồng thời phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần khi chứng kiến sự bất lực của người thân. Họ chỉ muốn được chết cho thanh thản.

“Vậy thì để họ sống hay cho phép họ được chết, quyết định nào sẽ là nhân đạo hơn? – Luật sư Thanh nêu quan điểm. 

Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng quyền được chết, cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết và có kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, ví dụ như trường hợp nào được thực hiện quyền này,cơ quan nào cho phép họ thực hiện, ai là người tiến hành, hậu quả pháp lý xảy ra sau khi người đó chết… 

Một khi đã có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền này, bên cạnh đó được sự ủng hộ của người dân, rất cần thiết đưa quyền được chết vào áp dụng trong xã hội. 

Nhất Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news