Tin mới

Đề xuất quyền được chết vào Bộ luật Dân sự sửa đổi

Thứ tư, 22/04/2015, 14:21 (GMT+7)

Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo vào Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo vào Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Theo tin tức từ tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết trên báo Vnexpress, trong bản góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.

"Về mặt luật pháp, chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử, nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Như vậy có phải là hành vi giết người? Bác sĩ cho người ta chết về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự, nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì vẫn có thể được", tiến sĩ Quang nói.

Tiến sĩ Quang nói tiếp: "Nếu pháp luật cho phép, bác sĩ có thể giúp người bệnh ra đi một cách thanh thản bằng cách kết hợp nhiều biện pháp như: cho thuốc mê, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim... Đấy cũng được coi là nhân đạo, còn hơn để người bệnh sống thế kia".

Hiện có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến quyền được chết. Đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nhân sống trong tình trạng đời sống thực vật, thập tử nhất sinh.

 

Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Ngô Xuân Sinh.

Trong một cuộc trao đổi trước đó với PV Người đưa tin về vấn đề trên, Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sỹ Ngô Xuân Sinh, chuyên khoa Nội - Tim mạch, nguyên cán bộ bệnh viện Hữu Nghị, nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa Tràng An chia sẻ: “Đa phần ai cũng muốn sống, không ai muốn "ra đi" cả. Có trường hợp bị tai biến, bệnh nhân khổ, gia đình họ cũng rất khổ, rất khó khăn nhưng cán bộ y tế phải có trách nhiệm phòng bệnh, hạn chế tối đa sự phát bệnh đó nhằm kéo dài sự sống chứ không phải tìm cách cho họ "ra đi" sớm. Có như vậy mới đúng, còn ai nói là không nên, không đúng, không nhân đạo và họ lý giải như vậy là ngại khó, ngại khổ cho chính bản thân họ. Bởi vấn đề con người là quan trọng nhất, chứ tài sản, tiền bạc, của cải không có ý nghĩa gì. Muốn thay đổi, chấp nhận quyền được chết phải xem thế giới làm việc này như thế nào. Nếu có nhiều nước làm thì có thể xem xét; nếu thấy văn minh, hiện đại, được dư luận xã hội ủng hộ lúc đó chúng ta mới có thể cân nhắc và làm được”.

Được biết, từ năm 2005, "cái chết êm ái" đã được đưa vào Dự thảo bộ luật Dân sự. Tuy nhiên sau đó vấn đề này đã không được thông qua, phải gác lại. Mặc dù vậy, điều đó đã cho thấy những người làm luật ở nước ta đã quan tâm đến vấn đề này từ khá lâu.

Theo một số chuyên gia y tế, "cái chết êm ái" là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận "quyền được chết" của công dân với nhiều tên gọi như "cái chết êm ái", an tử, trợ tử... hoặc ban hành đạo luật riêng như luật Chết, luật Điều trị vô ích. Trong đó chủ yếu là các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Arhentina, Hàn Quốc...

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Hồng Quang, viện Nghiên cứu pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc đưa "cái chết êm ái" thành quy định trong luật chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng đi ngược lại truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống... "Luật này cũng có ý nghĩa. Truyền thống là do con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi, tiệm cận với những nhu cầu mới của xã hội. Bên cạnh đó, quyền được chết là tùy nghi, do bệnh nhân chọn lựa và họ cần được hỗ trợ nếu quyết định chết khi mắc bệnh nan y... ", ông Quang nhận định.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Phùng Trung Tập (Trưởng bộ môn luật Dân sự - đại học Luật Hà Nội) lại không đồng tình với việc đưa "cái chết êm ái" vào luật. Theo ông Tập, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định nào nhằm điều chỉnh trường hợp cá nhân được quyền tìm giải pháp chết một cách thanh thản. Tuy nhiên, nếu xét về lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền của con người thì vấn đề an tử cũng nên được đặt ra và xem xét, đánh giá trong một phạm vi nhất định và trong một hoàn cảnh cụ thể.

 

Chưa thể quy định vấn đề an tử trong luật

"Về mặt lý thuyết thì pháp luật có thể quy định về vấn đề an tử một cách rõ ràng. Nhưng về mặt thực tiễn thì việc quy định về vấn đề an tử cần phải xem xét nhiều vấn đề có liên quan đến sự sống và chết của con người. Việc quy định về an tử lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như: Tôn giáo, quan niệm về sự sống - chết của cá nhân, vấn đề tín ngưỡng; quan niệm về đạo đức, quan niệm về nhân - nghĩa, quan niệm về tâm linh, về vấn đề tâm lý, quan niệm về tính nhân đạo, quan niệm về thiện và ác... còn nhiều điểm chưa thật sự thống nhất trong xã hội. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần, pháp luật Việt Nam chưa thể quy định về vấn đề an tử", PGS.TS Phùng Trung Tập nói.

   

Minh Anh



Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news