Tin mới

Đến mảnh đất kỳ lạ: Đi làm là việc của vợ, bế con cứ để anh lo

Thứ sáu, 11/03/2016, 21:14 (GMT+7)

Lẽ thường, đàn ông là người lao động chính trong gia đình, nhưng có một tộc người ở Quảng Bình thì khác, hàng ngày đàn ông ở nhà “bế” con, nội trợ cho vợ… đi làm.

Lẽ thường, đàn ông là người lao động chính trong gia đình, nhưng có một tộc người ở Quảng Bình thì khác, hàng ngày đàn ông ở nhà “bế” con, nội trợ cho vợ… đi làm.

Đó là một tập tục hết sức kỳ lạ của người Mã Liềng, cư trú ở bản Kè, bản Chuối, bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và một số ở chân núi Kà Đay, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Cho đến nay, dù trải qua nhiều cuộc “di cư” nhưng có một điều đặc biệt đã trở thành lời nguyền của tộc người này, đó là dù đi đâu, họ cũng phải sống cạnh sông và núi.

Có lẽ do cư trú ở địa hình hiểm trở, cách biệt nên người Mã Liềng ở đây còn lưu giữ được những tập tục cổ xưa nhất của đồng bào mình.

Nói đến phong tục đàn ông ở nhà bế con cho vợ đi làm, ông Cao Dụng, một cao niên sinh sống ở bản Kè nhớ lại, trước đây, dù cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào hạt gạo, củ sắn, củ khoai trên những nương rẫy ở xa tít tắp, nhưng công việc chính lại chỉ dành cho phụ nữ, còn đàn ông chỉ ở nhà trông con.

“Vì vậy, đến bản Kè vào ban ngày, chủ yếu chỉ gặp đàn ông, người già và trẻ nhỏ, còn lại đàn bà đều “cơm đùm’, “cơm nắm” trèo đèo, lội suối để lên rẫy từ lúc gà trưa gáy sáng”, ông Dụng cho biết.

Đàn ông Mã Liềng chỉ ở nhà chăm con, nội trợ... cho vợ đi làm

Những người đàn ông ở đây, ai cũng rắn chắc, khỏe mạnh như các loài muông thú trong rừng sâu, nhưng họ lại chỉ có nhiệm vụ quan trọng nhất là địu con, trông nhà và làm các công việc nội trợ khác để vợ lên nương rẫy.

Mấy năm trước, cũng như những gia đình khác trong bản, nếu khách vào nhà Cao Dụng, chỉ thấy mình ông và mấy đứa con ở nhà. Hỏi vợ đi đâu, thì ông trả lời “Bà ấy đi trỉa ngô trên rẫy rồi ở lại đến tối mới về, bố con tôi tự nấu cơm ăn thôi”.

Người dân ở đây không biết phong tục ấy có tự bao giờ, chỉ biết, từ thế hệ này qua thế hệ khác đều “răm rắp” thực hiện nó như một lời nguyền giữa chốn rừng sâu thăm thẳm.

Mặc dù nhà nào cũng đông con, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân ở đây vẫn tỏ ra lạc quan.

“Mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã được thần núi, thần sông bảo vệ rồi. Hơn nữa, trong nhà đã có vợ đi làm trên rẫy nên chẳng thiếu cái ăn đâu”, một người đàn ông địu con trên lung “hồn nhiên” trả lời.

Không chỉ đơn thuần ở nhà trông con, nhiều người đàn ông ở đây còn có thói quen tụ tập uống rượu, với mồi nhắm đơn giản là những con cá vừa bắt được dưới suối, hay đôi khi lại chỉ có rượu trắng. Cuộc sống của họ cứ trôi đi một cách “êm đềm” từ ngày này qua ngày khác.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nhờ sự vận động, tuyên truyền mạnh mẽ của địa phương, “tình cảnh” đàn ông ở nhà trông con cho phụ nữ đi làm đã giảm nhiều. Có chăng chỉ là một số trường hợp còn sót lại.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa chia sẻ: “Mấy năm gần đây, phong tục này hầu như không còn nữa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đàn ông ở đây dần ý thức được vai trò trụ cột của mình trong gia đình, họ đảm nhận các công việc nặng nhọc như: phát nương, làm đất, gùi bắp, lúa, sắn về nhà… còn đàn bà thì làm việc nhẹ hơn là trỉa hạt, nội trợ…”.

Từ xưa, ngôi nhà sàn của người Mã Liềng luôn có hai cầu thang, bên phải dành cho nam giới, bên trái dành cho nữ giới, phong tục này được họ thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Không chỉ vậy, đối với người Mã Liềng, chiếc buồng thiêng và chiếc vòng cườm được xem là hai thứ cực kỳ quan trọng, linh thiêng.

Theo đó, buồng thiêng là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà mà chỉ có đàn ông mới được bước vào. Vòng cườm được đeo trên cổ mỗi người, nó được xem là tấm bùa hộ mệnh của mỗi người Mã Liềng.

Trái với công việc chăm con, nội trợ hằng ngày, căn buồng thiêng nằm ở cuối nhà, được che chắn kín mít, bên cạnh là bếp lửa không bao giờ tắt lại là một biểu hiện hết sức gia trưởng của người đàn ông Mã Liềng.

Tâm Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Bùa hộ mệnh