Tin mới

Đi tìm sự thật về "dấu chân thánh" xuất hiện tại ngôi đình cổ

Thứ hai, 13/04/2015, 20:16 (GMT+7)

Gần đây, ngôi đình xuất hiện dấu chân lạ, dân làng xôn xao bàn tán và cho rằng đó là dấu chân "thánh" khiến ngôi đình càng trở nên huyền bí.

Gần đây, ngôi đình xuất hiện dấu chân lạ, dân làng xôn xao bàn tán và cho rằng đó là dấu chân "thánh" khiến ngôi đình càng trở nên huyền bí.

Đình So (xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) không chỉ đẹp trong kiến trúc mà đẹp cả trong phong cảnh, Phong thủy. Đình So nằm gối trên núi rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn lại tạo thành một hồ nước bán nguyệt như tấm gương khổng lồ in bóng cả ngôi đình đồ sộ.

Thời gian gần đây, ngôi đình xuất hiện dấu chân lạ, dân làng xôn xao bàn tán và cho rằng đó là dấu chân "thánh" khiến ngôi đình càng trở nên linh thiêng, huyền bí hơn.

Bí hiểm chuyện cặp lục bình mất tích ở đình cổ

Đình So là đình làng So (tên chữ cũ của làng là Sơn Lộ), trước gọi là Trang Sơn Lộ, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Làng So là nơi dừng chân của vua chúa đi tham quan Phủ Quốc năm xưa. Đình So có tam quan đẹp, hoành tráng, uy nghi, và có bậc đá 29 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Kiến trúc và điêu khắc của tam quan có thể được xem là một mẫu mực về sự cân đối và vững chãi, bay bổng thanh thoát. Đình thờ Tam vị Nguyên soái Đại vương, là những vị tướng của Đinh Tiên Hoàng.

 

Ngôi đình cổ.

Thần tích chép rằng: Vào mùa xuân năm Canh Thìn (năm 930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện. Một hôm, vợ chồng họ giăng lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn ngày càng khấm khá. Hiềm nỗi hai vợ chồng đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai liền đi tìm nơi cầu tự.

Nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ, là nơi linh ứng, cầu gì được nấy, nên hai ông bà sắm sửa lễ vật đến cầu tự. Sớm hôm sau, họ làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm, gió lớn ập đến. Lúc thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang.

Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sỹ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ lại và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.

Cụ Nguyễn Danh Hữu (75 tuổi), thủ từ đình So cho biết: Đình So là ngôi đình vô cùng linh thiêng. Người dân nơi đây luôn dành cho ngôi đình sự thành kính, không ai dám mạo phạm. Mỗi khi gia đình ai có tai ương, gặp điều bất hạnh họ thường mang lễ đến đình xin được Bình An. Hàng năm, con em trong làng đều đến thắp hương trước mùa thi cử. Đối với họ, ngôi đình được xem như báu vật của làng.

Cụ Nguyễn Danh Hữu, thủ từ đình So.

Cụ Hữu nhớ lại câu chuyện khó lý giải về cặp lục bình cổ ở đình: "Hàng trăm năm nay, người dân chúng tôi cũng không hiểu vì sao, cặp lục bình cổ bao lần mất đi rồi lại tìm thấy. Cặp lục bình cổ không ghi rõ xuất xứ từ thời nào. Mỗi bình cao gần tám mươi phân, nặng gần 15kg. Cách đây khoảng mười năm, cặp lục bình này liên tục bị ăn trộm, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chúng lại được mang trả về đình.

 

Lần đầu tiên, cặp lục bình bị lấy trộm rồi lưu lạc đến tận Hải Phòng, nhưng những người trong làng đi làm ăn xa tình cờ nghe được thông tin rồi tìm thấy mang về trả lại cho đền. Lần thứ hai, bọn trộm lúc lấy xong không kịp tẩu tán vội vứt xuống ruộng, người đi bắt cá nhặt được mang đi bán nhưng không ai mua, cuối cùng có một người dân đổi 5 bao gạo để lấy, sau đó ông này đã trả lại đình mà không hề lấy tiền. Cách đây vài năm, cặp lục bình này lại không cánh mà bay, nhưng tôi tin rằng, một thời gian nữa nó sẽ lại trở về đúng với vị trí ban đầu thôi", cụ Hữu quả quyết.

Kỳ lạ “dấu chân thánh”?

Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi đình cổ, cụ Hữu tỏ vẻ lo lắng về những dấu chân lạ xuất hiện tại đình trong thời gian gần đây đang được người dân "thần thánh hóa", biến nó thành câu chuyện ly kỳ, huyền bí. Cụ Hữu nhớ lại: "Tôi ra đình làm từ năm 1995, làm thủ từ được 7 năm. Nhưng sự xuất hiện của dấu chân lạ trên báng đình (xà - PV) khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Thời gian trước, tôi cũng hay đi kiểm tra đình xem có chỗ nào bị mối, mọt nhưng không hề thấy. Cách đây 5 năm, gần đến mùa mưa tôi cũng đi kiểm tra quanh đình và phát hiện ra hai bước chân lạ này, dấu chân có màu trắng đục trên báng đình cao gần 3m".

Nhiều người dân làng So khi nhìn thấy dấu chân lạ tỏ vẻ hoang mang lo lắng và cho rằng đó là “dấu chân thánh”, các ngài hiện về và in lại dấu chân mình trên đó. Người dân cũng cho biết, hàng trăm năm nay ở đình chưa từng thấy hiện tượng lạ đó. Những thanh xà này năm xưa đều được bào kỹ, đánh bóng rồi mới được đưa lên bởi những bô lão khỏe mạnh, khăn đóng áo the, khó ai có thể vấy bẩn như vậy.

  

Dấu chân lạ tại đình So.

Sự xuất hiện của dấu chân lạ trên báng đình nảy sinh nhiều ý kiến. Không ai biết nó có từ bao giờ, dấu chân của thần thánh phương nào, hay có ai cố tình in dấu chân để gây xôn xao dư luận? Một số người còn nhận định, đây là dấu chân của người phụ nữ vì nó rất nhỏ và gọn. Bí ẩn xoay quanh dấu chân này càng trở nên kỳ lạ hơn khi nhiều người đến chiêm ngưỡng và gắn cho nó những câu chuyện thần thoại nhuốm màu tâm linh.

Trước nhiều lời đồn về “dấu chân thánh" mới xuất hiện tại báng đình So, thì chính cụ Hữu, người phát hiện ra dấu chân lạ này lại có cách lý giải hoàn toàn ngược lại. Cụ Hữu cho biết: "Đình So có tổng cộng tất cả tòa ngang dãy dọc là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ. Riêng nhà Tả văn chỉ dùng để viết văn tế thần. Ngôi đình rộng và có kiến trúc theo kiểu công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2.

Vì thế, những năm kháng chiến, ngôi đình là nơi dạy học cho con em trong làng. Một thời gian sau, đình được chuyển thành nơi để quân nhu và nơi dừng chân cho bộ đội. Quân nhu được chất đầy và cao trong các gian đình. Thời đó, quân nhu chất cao gần đến mái đình, có lẽ đêm ngủ các chiến sỹ có thể đã vô tình đặt chân lên báng đình và in dấu chân ở đó chứ không phải là “dấu chân thánh” hay thế lực huyền bí gì, chúng tôi cũng mong có một sự kiểm chứng thật chính xác về dấu chân lạ này để bà con yên tâm".

 

Những dấu chân hiện lên theo thời gian

Trao đổi với PV về hiện tượng những dấu chân lạ đang được "thần thánh hóa" tại đình So, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, cán bộ văn hóa xã Cộng Hòa cho biết: "Gần đây, xã cũng nhận được thông tin về sự xuất hiện hai dấu chân lạ tại đình So, chúng tôi đã xuống kiểm tra, tìm hiểu qua các cụ già trong làng và thấy rằng, nó cũng không hẳn là hình dáng của một bước chân, nhìn rất mờ.

Nhiều cụ già trong làng cũng khẳng định, hai dấu chân này có thể có từ rất lâu rồi, theo thời gian nó rõ dần nên mới nhìn được như vậy chứ không có việc thánh thần hiện về. Còn việc người dân khi nhìn thấy dấu lạ trên báng đình, mỗi người có một suy đoán khác nhau là việc bình thường nhưng cũng không nên quá đặt nặng về yếu tố tâm linh như vậy".

 

Mai Thu

Xem thêm Video:  Cận cảnh cổng tới địa ngục ở Trung Quốc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news