Tin mới

Dịch Covid-19: Thế giới hơn 14.500 ca tử vong, châu Âu tiếp tục là 'tâm dịch'

Thứ hai, 23/03/2020, 08:35 (GMT+7)

Tính đến 7h sáng nay, số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới đã vượt 330.000 ca, trong đó số ca tử vong vượt 14.500. Châu Âu tiếp tục là “tâm dịch” nóng nhất.

Dịch bệnh Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) tới nay đã xuất hiện tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua  có thêm 1.598 người thiệt mạng và 30.367 ca bệnh mới (một kỷ lục tính theo ngày), nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới lên trên 335.403 người, trong đó có 14.611 ca tử vong. Tới nay, cũng đã có 97.636 người được điều trị thành công và phục hồi.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Strasbourg, Pháp, ngày 16/3. Ảnh: AFP

Tại châu Âu, theo số liệu cập nhật, tổng số ca nhiễm hiện đã lên tới hơn 150.000 ca. Trong ngày 22/3, đảo Síp, Romania và Kosovo cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19.

Tâm dịch Italy tình hình đang ngày càng trở nên nguy hiểm và chưa có dấu hiệu kiểm soát. Ngày 22/3, quốc gia Nam Âu này ghi nhận 5560 ca nhiễm mới (giảm 15% so với một ngày trước) và thêm 651 ca tử vong (giảm 18% so với 1 ngày trước).

Italy vừa ra lệnh cấm đi lại trong nước ngày 22/3, trong nỗ lực mới nhằm ngăn virus lây lan. Ảnh: RT

Tới thời điểm này, Italy đã có tổng cộng 59.138 người mắc dịch COVID-19, trong đó 5.476 người tử vong, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.

Tại Tây Ban Nha trong ngày 22/3 cũng đã thông báo có tới 375 ca tử vong mới, tăng 30% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.756 người. Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 3.107 ca, lên tổng số 28.603 người, trong đó 1.785 ca trong tình trạng nguy kịch.

Tính tới 6h sáng 23/3, thế giới có thêm 1.598 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch COVID-19 lên trên 14.500 người. Ảnh: Bộ Y tế

Đức cũng ghi nhận thêm 2.488 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 24.852 và 94. Dù là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ 0,37%. Phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 22/3 cho hay Thủ tướng Angela Merkel đang tự cách ly và sẽ làm việc tại nhà sau khi tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm nCoV.

Thượng viện Pháp ngày 22/3 đã "bật đèn xanh" cho luật chống dịch COVID-19, theo đó Paris sẽ thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian 2 tháng. Tính đến sáng 23/3, Pháp đã được ghi nhận 674 trường hợp tử vong do COVID-19, tăng 112 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm virus là 16.018, tăng 1.559 bệnh nhân.

Tối ngày 22/3, Bộ Y tế đã công bố thêm 19 ca mới mắc COVID-19, gồm các bệnh nhân từ số thứ tự 94 đến 113, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam lên 113 trường hợp.

Trong khi đó, theo thống kê của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy, tính đến 18h ngày 22/3 (giờ miền Đông, tức 6h sáng 23/3 theo giờ Việt Nam), nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 32.717 ca nhiễm COVID-19, 409 trường hợp tử vong, và 178 người được điều trị khỏi.

Theo quan sát của People's Daily (Trung Quốc), số ca dương tính với virus corona tại Mỹ đã tăng 6.670 trường hợp trong vòng không đầy 18 tiếng đồng hồ. Tổng số ca nhiễm COVID-19 của Mỹ tiếp tục ở vị trí cao thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy.

New York là bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, với số ca bệnh ngày 22/3 được ghi nhận là 15.777 trường hợp, tăng 3.463 ca so với ngày trước đó.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news