Tin mới

Dịch virus Corona: Giáo viên, NLĐ có được trả lương nếu phải nghỉ làm?

Thứ bảy, 08/02/2020, 16:33 (GMT+7)

Trước việc nhiều HS, SV phải nghỉ học để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, nhiều giáo viên, người lao động thắc mắc có được hưởng những quyền lợi gì trong trường hợp này?

Việc nghỉ học kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến kế hoạch đào tạo, chế độ của giáo viên. Trong đó, rất nhiều giảng viên - giáo viên, nhân viên trường học thắc mắc có được trả lương cho thời gian nghỉ do dịch bệnh hay không, nhất là những giáo viên tại các trường dân lập?.

Người sử dụng lao động có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động hiện hành vì lý do bất khả kháng, trong đó có dịch bệnh. Ảnh: DV

Về việc này, theo Bộ luật Lao động 2012 đề cập, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người sử dụng lao động có quyền ngừng việc, tạm chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Ảnh: DV

Bộ luật Lao động 2012 quy định việc trả lương trong thời gian ngừng việc như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động vẫn phải trả đủ lương cho người lao động, ngược lại nếu do lỗi của người lao động thì người lao động không được hưởng lương.

Tuy nhiên, đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định, người lao động gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp như xảy ra do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa… không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khoản 3 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: Người lao động được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Đồng thời, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau: Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

Quy định là vậy nhưng người lao động cũng không nên lợi dụng tình hình dịch bệnh làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động để tránh ảnh hưởng tới công việc của mình và những người xung quanh.

Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chỉ được chuyển người lao động sang làm công việc khác không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Trường hợp đã đủ 60 ngày, nếu tiếp tục phải chuyển người lao động làm công việc khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.

Trước khi chuyển người lao động làm công việc khác, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news