Tin mới

"Dạy" con ăn trộm, mẹ bị xử lý ra sao?

Thứ tư, 20/04/2016, 10:08 (GMT+7)

"Dù chưa xác định được mối quan hệ của người phụ nữ với đứa trẻ trộm cắp, song người phụ nữ có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự".

"Dù chưa xác định được mối quan hệ của người phụ nữ với đứa trẻ trộm cắp, song với hành vi "điều khiển" trẻ trộm cắp, người phụ nữ có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự " - Luật sư Nguyễn Minh Long khẳng định.

Liên quan vụ việc một phụ nữ ra ám hiệu, "điều khiển" một đứa trẻ trộm cắp điện thoại xảy ra tại một cửa hàng phụ kiện di động ở phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty luật Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, trên phương diện pháp luật, hành vi của người phụ nữ trong trường hợp này bị coi là vi phạm.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, “hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em, và nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi”. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền trẻ em, đặc biệt là với mục đích trục lợi đều phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.

Người phụ nữ (đội mũ bảo hiểm) ra ám hiệu "điều khiển" trẻ trộm điện thoại trong ngăn bàn của cửa hàng. Ảnh cắt từ clip.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, tùy thuộc vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong tình huống này, người phụ nữ đã lợi dụng sự ngây thơ của đứa trẻ cho hành vi trộm cắp gián tiếp nhằm mục đích trục lợi cá nhân của mình. Dù chưa xác định được mối quan hệ của người phụ nữ này với đứa trẻ trộm cắp trong tình huống trên song căn cứ theo quy định tại Điều 252 Bộ luật Hình sự quy định về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp có quy định:

“1. Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:a) Có tổ chức;b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người;c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi;d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

Như vậy, nếu đứa trẻ bị "điều khiển" trộm điện thoại mới chỉ dưới 13 tuổi thì hành vi của người phụ nữ có thể đối mặt với mức phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.

Ngoài ra, theo phân tích của luật sư Nguyễn Minh Long, căn cứ theo Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi cá nhân thì để đạt được hành vi trên, có lẽ, người đó đã có những hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi cũng có thể bị xử lý. Mức xử phạt cụ thể như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em;

b) Đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh;

c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần;

đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

2. Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.”

Trước đó, ngày 17/4, fanpage của một cửa hàng chuyên bán phụ kiện di động nằm trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) đăng tải một đọa clip tố cáo hành vi trộm cắp của một nữ khách hàng và một bé trai.

Theo hình ảnh được ghi lại trong đoạn clip, trong lúc nhân viên bán hàng không để ý, bé trai đã lẻn vào bàn làm việc của cửa hàng theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ đi cùng. Cậu bé này mở các hộc tủ để tìm kiếm, sau đó, khi nhìn thấy chiếc điện thoại di động, cậu đã "bắn" tín hiệu cho người phụ nữ. Nhận được tín hiệu gật đầu đồng ý từ người này, cậu bé nhanh chóng giấu chiếc điện thoại vào áo rồi đi ra ngoài.

Chủ cửa hàng phụ kiện di động (tên Hằng) cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày 17/4. Thời điểm đó, chị không có mặt tại cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi xem lại hình ảnh từ Camera quan sát, chị đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news