Tin mới

Do độc tố hay thủy triều đỏ? Nguyên nhân cá chết chưa thuyết phục

Thứ năm, 28/04/2016, 07:15 (GMT+7)

Tối qua 27/4, trong cuộc họp báo thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu xác định 2 nhóm nguyên nhân là độc tố và thủy triều đỏ. Kết luận này sau đó đã bị một số nhà khoa học cho rằng chưa thuyết phục, và không có gì mới.

Tối qua 27/4, trong cuộc họp báo thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu xác định 2 nhóm nguyên nhân là độc tố và thủy triều đỏ. Kết luận này sau đó đã bị một số nhà khoa học cho rằng chưa thuyết phục, và không có gì mới.

Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì họp báo lúc 20 giờ tối qua Ảnh: Ngọc Thắng/ Thanh niên

Trao đổi trên Thanh niên, Tiền phong, PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, nếu nguyên nhân là tảo đỏ thì đã phát hiện ngay được nhờ ảnh vệ tinh, trạm quan trắc và cả mắt thường.

Theo Ông Côn, tảo đỏ là loại tảo trong tự nhiên, trong một điều kiện nào đó phát triển rầm rộ, tiết ra chất độc và giết sinh vật. Tảo đỏ gây ra nhiều hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong trường hợp cá chết ở miền Trung, nguyên nhân này không thể vì nếu cá chết ở diện rộng như thế thì tảo đỏ phải xuất hiện ở diện rộng và kéo dài, người dân, ảnh vệ tinh hay trạm quan trắc phát hiện được ngay.

Đồng thời, ông cũng giữ quan điểm cho rằng, độc tố là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Lượng độc được phát phải rất lớn và độc tính phải rất cao. Ông Côn cho rằng, trong trường hợp này, nitrit và các biocide diệt sinh vật là nghi vấn số một.

Một chuyên gia giấu tên chia sẻ trên Tiền phong cho biết, kết luận mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra chưa rõ ràng, không có thông tin gì mới. Việc kết luận do độc tố đã có trước đó trong cuộc họp của Bộ NN&PTNT với 4 địa phương vào chiều 23/4 ở Hà Tĩnh. Các mẫu cá, nước và trầm tích ở những vùng có hiện tượng cá chết cũng đã được lấy mẫu và phân tích một thời gian. Hiện tượng cá chết xảy ra đến nay là hơn 20 ngày. Vậy nếu kết luận là do độc tố thì với việc phân tích như thế phải chỉ ra được độc tố gì, có phát hiện ra cyanua, nitrit, kim loại nặng trong các mẫu nước, cá, trầm tích hay không?

Trong khi đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều đơn vị đã và đang thực hiện phân tích mẫu cá chết như một số viện của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 2, Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Môi trường Nông nghiệp.

Trao đổi trên báo Thanh niên, TS. Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường nhận xét 2 nhóm nguyên nhân mà Bộ đưa ra là thiếu thuyết phục. Trong khi đó, hóa chất làm vệ sinh đường ống là hỗn hợp của nhiều loại hóa chất, đáng chú ý là amoniac, nitrit, a xít hữu cơ (formic, citric). Sau súc rửa nước thải, nhiều a xít, sắt (vô cơ, phức chất) làm giảm pH và làm cạn kiệt nguồn ô xy trong nước cộng với tác động của độc tố amoniac, nitrit là nguyên nhân chính. Nước súc rửa là loại nước thải đặc thù, hệ thống xử lý nước thải thông dụng hay của ngành luyện thép rất khó xử lý nó do chứa nhiều chất khó phân hủy và với nồng độ rất cao.

Cung trao đổi về nguyên nhân này trên báo Thanh niên, TS Lê Phát Quới -Viện Tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định: “Cái này phần lớn là ngộ độc bằng kim loại nặng. Người ta đo về chất lượng một số chỉ tiêu như BOD, COD, pH, EC đạm, lân... như vậy là chưa đủ. Các loại kim loại nặng chỉ cần vượt vài gram trong một triệu lít nước thôi thì cũng đủ làm cá chết rồi”.

Trong cuộc họp báo chóng vánh tối qua 27/4, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường cho biết: Trước mắt thống nhất, có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: Một là do tác động của độc tố hoá học xảy ra do hoạt động của con người. Hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên tạo nên tảo nở hoa mà nhiều người trên thế giới gọi là thuỷ triều đỏ. 

Hiện, chưa có bằng chứng khẳng định mối liên hệ giữa Formosa và nhà máy của Vũng Áng với tình trạng cá chết hàng loạt.

Trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp sẽ cung cấp các kết quả phân tích độc tố và đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước ven bờ và có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news