Tin mới

Đoạn ghi âm ám ảnh 40 hành khách khống chế không tặc trong vụ 11/9

Thứ sáu, 11/09/2015, 11:03 (GMT+7)

Khi biết máy bay bị biến thành vũ khí khủng bố, các hành khách đã sẵn sàng hy sinh trước để bảo vệ thủ đô nước Mỹ.

Khi biết máy bay bị biến thành vũ khí khủng bố, các hành khách đã sẵn sàng hy sinh trước để bảo vệ thủ đô nước Mỹ.

Một khu phức hợp trị giá 26 triệu USD dành để tôn vinh các nạn nhân trên chuyến bay 93, chuyến bay bị không tặc khống chế trong loạt tấn công khủng bố 11/9 được mở cho công chúng tại bang Pennsylvania (Mỹ) vào ngày 11/9.

Chiếc máy bay của hãng United Airlines là một trong 4 máy bay bị nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda cướp vào ngày 11/9/2001 và đây cũng là chiếc máy bay duy nhất không tới được mục tiêu của al-Qaeda.

Hiện trường nơi máy bay 93 rơi trong đợt tấn công khủng bố 11/9. Ảnh: pilotsfor911truth.org.

Khi biết mưu đồ của bọn không tặc, các hành khách trên chuyến bay đã giằng co với bọn khủng bố đang kiểm soát máy bay, khiến máy bay rơi ở vùng nông thôn Pennsylvania trước khi tới được mục tiêu. Kết quả 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn cùng với 4 kẻ không tặc.

Mục tiêu mà al-Qaeda định tấn công bằng máy bay này là tòa nhà Quốc hội Mỹ. Hôm 9/9 gia đình các nạn nhân đã được xem trước hình ảnh về khu tưởng niệm, đặt tại nơi máy bay bị rơi ở hạt Somerset.

Khách đến thăm khu tưởng niệm và bảo tàng - do cơ quan Công viên Quốc gia (Mỹ) quản lý - sẽ được thấy các hiện vật về các tất cả các hành vi khủng bố trong vụ tấn công 11/9, không chỉ những gì xảy ra trên máy bay mang số hiệu 93.

Tuy nhiên, bảo tàng tập trung vào các hành khách của chuyến bay cùng các câu chuyện của riêng họ.

Trong bảo tàng cũng trưng bày chân dung của tất cả 40 nạn nhân cũng như các đoạn ghi âm các cuộc trao đổi qua điện thoại di động giữa các nạn nhân và gia đình của họ.

Những người tới Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93 sẽ được đưa đi theo một con đường lát đá granite đen, mô phỏng lộ trình bay cuối cùng của chiếc máy bay bị không tặc đánh cướp trong ngày 11/9.

Dọc hành trình, họ sẽ được nhắc nhở về những dấu mốc đáng buồn trong ngày đó: “8 giờ 46 phút 30 giây, chuyến bay số hiệu 11 của hãng American Airlines đâm vào một tháp WTC, 9 giờ 3 phút 2 giây, chuyến bay số 175 của hãng United Airlines đâm vào tòa tháp còn lại, 9 giờ 37 phút 46 giây, chuyến bay số 77 của hãng American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc".

Khu trưng bày mới được Khai trương trong Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93.

Con đường chạy qua một điểm nghỉ hẹp nằm giữa 2 bức tường bê tông cao 12 mét, với mỗi bức có hình dáng giống cánh một chiếc máy bay. Nó dẫn tới một tảng đá lớn nằm tại vị trí mũi chiếc máy bay số 93 va chạm với mặt đất.

Con đường tiếp tục dẫn du khách tới khu trưng bày, với hiện vật được đặt dọc theo 10 bức tường cao. Các hiện vật cho thấy vụ khủng bố đã diễn ra rất bất ngờ, trong một ngày rất đẹp trời của tháng 9.

Đơn cử như trên một bức tường có trưng bày bản in của tờ Wall Street Journal, một tờ giấy chứa thông tin vắn tắt của Bộ Quốc phòng và một tập tài liệu chứa hoạt động của Quốc hội Mỹ... cho thấy mọi việc diễn ra bình thường vào ngày 11/9, trước khi tai họa ập xuống.

Bức tường khác có các bản tin về việc máy bay đã lao vào hai tòa WTC và Lầu Năm Góc. Một bức nữa có cảnh hàng ngàn chiếc máy bay đang ở trên không phận Mỹ, vào thời điểm vụ tấn công khủng bố diễn ra.

Nhưng trung tâm trưng bày là các hiện vật nói về 35 phút cuối của chuyến bay số 93. Một đoạn video mô phỏng về chuyến bay số 93, được xây dựng dựa trên dữ liệu thu từ các hộp đen máy bay, đã giúp khách tham quan nhận ra khung cảnh hỗn loạn trong khoang lái, khi các phi công cố gắng kiểm soát chuyến bay.

Nằm dọc theo một bức tường khác là bản sao của những chiếc ghế từng được lắp đặt trên chiếc máy bay số hiệu 93.

Chúng cho thấy những mẫu điện thoại gắn trên máy bay mà vài hành khách và tiếp viên đã sử dụng để liên lạc với thân nhân hoặc báo cáo tình huống khẩn cấp.

“Một nhóm hành khách bọn anh đã sẵn sàng để làm điều gì đó" - hành khách có tên Thomas E. Burnett Jr., nói với vợ vào lúc 9h44. Lúc 9h58, Honor Elizabeth Wainio gọi điện cho mẹ kế của cô: "Con phải đi đây. Con yêu mẹ. Vĩnh biệt mẹ".

Edward Felt, một trong những người cuối cùng gọi điện từ chiếc máy bay, đã bấm số 911 (số điện thoại khẩn cấp) trên di động của ông vào lúc 9h58 phút sáng. Qua điện thoại, Felt khai tên, số hiệu chuyến bay và báo cáo vụ đánh cướp.

Thanh Ngọc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news