Tin mới

Doanh nhân bị “tố” ăn thịt chim Phượng Hoàng Đất: Mỏ loài chim này có giá lên đến 130 triệu/kg

Thứ ba, 27/11/2018, 13:45 (GMT+7)

2 ngày qua, dư luận và cộng đồng mạng đang xôn xao về một doanh nhân bị nghi ngờ ăn thịt chim quý được cho là Phượng Hoàng Đất và chụp hình đưa lên Facebook.

2 ngày qua, dư luận và Cộng đồng mạng đang xôn xao về một doanh nhân bị nghi ngờ ăn thịt chim quý được cho là Phượng Hoàng Đất và chụp hình đưa lên Facebook.

Sáng 27/11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông  Bạch Ngọc Tuấn ở huyện Củ Chi (TPHCM) xác nhận mình là chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet.

Theo ông Tuấn, những bức ảnh ông đăng Facebook đúng là của ông, được chụp vào sáng 25/11 khi ông đi dự tiệc cưới một người thân ở Tây Ninh.

Chủ Facebook Tuan Kiet cho rằng chỉ mượn chim để chụp hình cho vui trên tinh thần sống ảo, chứ không có ăn và làm thịt. Ảnh: FB

Trên đường đi dự tiệc, khi xe đến địa phận xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) thì ông Tuấn thấy người dân bán nhiều loài chim này, nên đã cầm 2 con đã bị vặt lông để chụp hình đưa lên mạng, trên tinh thần là "vui và sống ảo" chứ không có ý gì.

“Theo người dân nói đây là loài chim Cao Cát, tôi cũng không rành là chim Cao Cát là thế nào và chim Phượng Hoàng như dư luận nói là thế nào. Sau khi tôi đưa hình ảnh này lên mạng xã hội, thì không hiểu sao lại lan truyền chóng mặt, nhiều người chỉ trích nặng nề đã ảnh hưởng đến cuộc sống  của gia đình.” – ông Tuấn nói.

Tê Điểu (Hồng hoàng) sở hữu mỏ sừng đặc, cứng chắc, có cùng cấu tạo giống sừng tê giác.

Bày tỏ trên Thanh niên, ông Tuấn cho biết, người bán chim báo giá 120.000 đồng/con, nhưng ông không mua mà "chỉ xin chụp hình đăng facebook".

"Tôi có hỏi thì người dân địa phương gọi chim này là cò hay chim Cao cát gì đó chứ không phải chim Hồng hoàng... Nếu nói chim đó là chim quý mà người ta lại bán đầy đường chỉ với giá 120.000 đồng/con thì quá vô lý", ông cho hay.

Ông Tuấn cũng cung cấp thêm thông tin, sau khi thông tin ông “ăn thịt chim quý” lan truyền, nhiều người vào facebook chửi bới ông, cuộc sống bị xáo trộn. Hiện trên tài khoản Facebook Tuan Kiet của ông đã gỡ tất cả hình ảnh liên quan đến 2 con chim này. Đồng thời, ông sẵn sàng làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để chứng minh mình không có ăn thịt chim quý như như luận nghi ngờ.

Sáng 27/11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Tánh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Phước cho biết, sau khi nhận thông tin báo Lao Động cung cấp, ông đã chỉ đạo ngành kiểm lâm rà soát thông tin và kiểm tra vụ việc.

Bước đầu xác minh chủ tài khoản Facebook này ở huyện Củ Chi, TPHCM. Địa điểm ăn thịt chim không xảy ra trên địa bàn Bình Phước, 2 con chim này cũng không thực hiện săn bắn ở vườn quốc gia Bù Gia Mập.

"Nếu là loài Hồng Hoàng (quý hiếm) hoặc loài khác là Cao Cát (thông thường) thì đều sinh sống ở Khu Bảo tồn thiên nhiên hoặc Vườn Quốc Gia nhiều nơi, nhiều Quốc gia trong khu vực đều có chứ không riêng ở Việt Nam.” – ông Tánh nói.

Cao cát có thân hình nhỏ hơn Hồng hoàng và không phải chim quý, được bán nhiều trên thị trường. Với Hồng hoàng, mọi hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, giết mổ trái phép đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 244 bộ luật Hình sự năm 2015.

Chiếc mỏ sừng đắt hơn ngà voi gấp 3 lần nên loài chim này đang bị giết hại đến mức có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo tìm hiểu, Phượng Hoàng Đất (Tê Điểu) là một loài chim rất quý thuộc diện bảo tồn đặc biệt. Người nào khai thác và săn bắn loài chim này có thể bị xử lý hình sự. Tại Việt Nam, loài chim này sinh sống chủ yếu tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Mỏ loài chim được rao bán trên thị trường có khi lên đến hơn 6.150 USD/kg, tương đương 130 triệu đồng/kg.

Chỉ tính từ năm 2012 đến 2014, có khoảng 1.111 đầu chim Tê Điểu tịch thu từ bọn buôn lậu riêng tại tình Tây Kalimantan (Indonesia). Nhà nghiên cứu về chim mỏ sừng Yokyok Hadiprakarsa thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã phi lợi nhuận (WCS) Indonesia ước tính, khoảng 6.000 con Tê Điểu bị giết hại mỗi năm nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người.

Các nhà khoa học không thể thống kê còn bao nhiêu con chim Tê Điểu sinh sống trong tự nhiên hiện nay, nhưng rõ ràng, họ đang lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ sự tồn tại của loài chim cực kỳ quý hiếm này.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news