Tin mới

Đọc ngay để nắm rõ dấu hiệu nhận biết thịt lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ tư, 06/03/2019, 09:12 (GMT+7)

Những dấu hiệu rõ ràng dưới đây sẽ giúp các bà nội trợ phân biệt thịt lợn sạch và thịt mắc bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng.

Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi đã trở thành nỗi ám ảnh của các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng. Bởi theo các chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

Hiện ở Việt Nam, tính đến thời điểm này, đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Các tỉnh bị dịch ASF xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).

Bệnh dịch tả châu Phi khiến con heo bị đỏ da, tím tái và xuất huyết (ảnh minh hoạ)

Trước thông tin gây hoang mang dư luận về bệnh dịch, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người. Tuy nhiên dịch có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Cách phân biệt thịt lợn mắc bệnh

Những bà nội trợ có kinh nghiệm cho biết, khi mua thịt lợn nhất là ở chợ truyền thống bằng quan sắt bằng cảm quan bên ngoài. Cụ thể khi chọn thịt lợn cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 - 2cm). Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu đỏ tươi tự nhiên, phần mỡ trắng phau hoặc trắng sáng, phần da không có các đốm, vết khác thường.

Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Miếng thịt lợn tươi ngon khi cầm thử lên có cảm giác mềm dẻo, ấn tay vào thấy có độ đàn hồi tự nhiên, sờ không bị dính tay, không bị rỉ ướt, thớ thịt chắc, đó là phần thịt của những con lợn khỏe mạnh.

Cách phân biệt thịt lợn mắc bệnh, ăn phải thịt lợn mắc dịch tả Châu Phi nguy hiểm ra sao? Ảnh minh họa

Nếu miếng thịt lợn không còn tươi hay thịt lợn bệnh sẽ có mùi lạ, mùi khó chịu khác thường. Thịt kém tươi và ôi sẽ hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng. Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt. Mỡ màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi. Mặt khớp có nhiều nhớt. Dịch hoạt đục.

Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho biết, lợn bị thương hàn bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím. Lợn bị tả có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Thịt lợn bị tụ huyết trùng có những mảng bầm, tụ máu. Lợn bị viêm gan thịt có màu vàng. Lợn đóng dấu bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Thịt lợn ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ (mùi của lợn nọc, lợn nái hoặc mùi kháng sinh).

Trong khi đó, thịt lợn bệnh hay thịt kém tươi ngon thường khiến nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ, tách thành những vết nhỏ hoặc hầu như không còn vết mỡ nữa.

Ngoài các dấu hiệu nhận biết bằng cảm quan, để chọn mua được thịt lợn sạch, tươi ngon, người tiêu dùng lưu ý nên mua thịt ở các địa chỉ tin cậy như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy sạp đã được cơ quan thú ý kiểm dịch, không nên mua thịt giá rẻ, thịt bán dạo không rõ xuất xứ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news