Tin mới

Bệnh viêm màng não mô cầu lây nhiễm, có thể gây tử vong trong 24h

Thứ sáu, 26/02/2016, 14:38 (GMT+7)

Sau 3 ngày có triệu chứng, nữ sinh học lớp 12 tại Hải Dương đã tử vong do nhiễm viêm màng não mô cầu. Đây là căn bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và có thể gây tử vong trong vòng 24h.

Sau 3 ngày có triệu chứng, nữ sinh học lớp 12 tại Hải Dương đã tử vong do nhiễm viêm màng não mô cầu. Đây là căn bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và có thể gây tử vong trong vòng 24h.

[mecloud]obhzRGH9eS[/mecloud]

Nữ sinh tử vong do bệnh viêm màng não mủ mô cầu

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương (thuộc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) đã có báo cáo về vụ việc em Đỗ Thị X. (trú tại khu Thượng Đạt, phường Tứ Minh, TP Hải Dương), là học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh tử vong do mắc viêm màng não mô cầu.

Bệnh nhân não mô cầu đầu tiên tại miền Bắc. Ảnh: N.Dung/ Người lao động

Thông tin từ phía gia đình bệnh nhân X. và bác sĩ Bệnh viện Quân Y 108 cho biết, vào sáng ngày 20/2, em Đỗ Thị X. có biểu hiện sốt, đau đầu. Đến khoảng 19h cùng ngày, phát hiện em X. đi vệ sinh bị ngã, gia đình đã đưa bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Tại bệnh viện, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, đã được các bác sĩ hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Quân Y 108. Khoảng 1h ngày 21/2, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân Y 108 tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Thị X. trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Sau đó, bệnh nhân đã được cấy máu, chọc dịch não tủy, xét nghiệm dịch họng.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu.

Bệnh nhân đã tử vong vào lúc 10h ngày 22/2 và đã được Bệnh viện Quân Y 108 hướng dẫn gia đình khâm niệm tại chỗ và khuyến cáo gia đình đưa thi thể bệnh nhân đi hỏa thiêu để tránh lây lan bệnh sang người khác.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã cử cán bộ xuống điều tra, giám sát gia đình bệnh nhân.

Các cơ quan chức năng cũng lập danh sách 50 người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh học cùng lớp với bệnh nhân... Đồng thời, nhà chức trách tiến hành hoạt động thông báo về trường hợp bệnh và tình hình bệnh dịch.

Bệnh viêm màng não mủ do mô cầu là gì?

TS.BS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Vi khuẩn gây viêm màng não mủ thuộc nhóm Gram âm, bình thường cư trú trong hầu, mũi, họng của con người. Theo nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tại các nước phát triển, tỷ lệ cư trú trong cơ thể người khỏe mạnh của vi khuẩn này là 1/10; ở các nước kém phát triển thuộc khu vực châu Phi, cận sa mạc Sahara, tỷ lệ này có thể lên tới trên 20%.

Vi khuẩn Gram âm có khoảng trên 20 tuýp, trong đó có 5 tuýp gây 90% các ca bệnh viêm màng não mủ; tuýp A gây bệnh cao nhất với tỷ lệ trên 80% các trường hợp mắc bệnh. Trong điều kiện sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vi khuẩn sẽ xâm nhập, gây viêm phổi, từ đó xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh viêm màng não mủ do mô cầu có triệu chứng chung với các bệnh viêm màng não mủ do các vi khuẩn khác như: viêm long hô hấp, sốt, thay đổi về mặt thần kinh (quấy khóc hơn bình thường, nôn trớ). Tuy nhiên, bệnh này có triệu chứng điển hình là người bệnh có các phát ban tím đen, hoại tử hình sao ở trên da.

Bệnh viêm màng não mủ do mô cầu là một căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân viêm màng não mủ do mô cầu sẽ qua khỏi cơn nguy hiểm. Ngược lại, bệnh sẽ gây nhiễm khuẩn máu, các di chứng về thần kinh (điếc, tổn thương não không hồi phục), thậm chí tử vong.

Vi khuẩn cư trú trong vùng hầu, mũi, họng nên cách lây của vi khuẩn Gram âm là qua đường hô hấp (do tiếp xúc, ho bắn vi khuẩn ra xung quanh). Do đó, để ngăn ngừa bệnh lây lan, cần thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân; người xung quanh nên đeo khẩu trang khi ở gần người bệnh; vệ sinh tay, tai, mũi, họng, vật dụng, nhà cửa. Việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ cần thực hiện cho trẻ trên 3 tháng tuổi với 2 mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 6 - 8 tuần”.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Vắc xin phòng não mô cầu typ A và typ C được chỉ định cho tất cả các đối tượng từ 24 tháng tuổi trở lên.

Trong trường hợp chưa đuợc tiêm phòng não mô cầu lần nào thì phụ huynh hãy đưa trẻ đến các địa điểm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn về hiệu quả, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin và phác đồ tiêm phù hợp. Trong trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Dã Quỳ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news