Tin mới

Chiến sĩ CSCĐ chịu đau cứu cháu bé: Hành động đẹp nhưng chưa đúng

Thứ hai, 05/08/2019, 14:50 (GMT+7)

Theo bác sĩ, việc cấp cứu trẻ của 2 chiến sĩ CSCĐ là việc làm cần thiết, là hành động đẹp. Nhưng rõ ràng về phương diện sơ cứu trẻ động kinh, co giật là chưa đúng.

Theo tin tức trên Trí thức trẻ, trong trận đấu tại vòng 19 V.League giữa chủ nhà Nam Định và HAGL diễn ra chiều 4/8, lực lượng an ninh trên khán đài sân Thiên Trường phát hiện một bé trai có dấu hiệu co giật, khó thở giữa đám đông.

Ngay lập tức, 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động đã đưa cháu bé tách khỏi đám đông trên sân vận động Thiên Trường. Theo hình ảnh ghi lại, CĐV nhí có dấu hiệu mất ý thức được một chiến sĩ cảnh sát bế, một người khác thì lấy tay cho vào miệng để tránh tình trạng nuốt lưỡi. Anh cảnh sát kể trên lộ rõ gương mặt đau đớn do cậu bé vẫn cắn chặt miệng.

Sự hỗ trợ kịp thời của các chiến sĩ CSCĐ đã nhận được rất nhiều những lời ngợi ca của Cộng đồng mạng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc cho tay vào miệng trẻ đang lên cơn co giật là không cần thiết. Vậy, làm thế nào để sơ cứu trẻ đúng cách khi lên cơn co giật, động kinh?

Trên Zing.vn dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết: Trường hợp trẻ lên cơn động kinh, người lớn cần biết cách sơ cứu chính xác để tránh làm tình trạng tăng nặng.

Khi sơ cứu cho trẻ bị động kinh chỉ cần, đặt bệnh nhân nằm trên nền phẳng (chỗ thoáng khí). Nhẹ nhàng nghiêng người bệnh nhân qua một bên giúp bệnh nhân dễ thở. Không đè hoặc cố gắng dừng cơn co giật của bệnh nhân. Ảnh minh hoạ

"Hành động nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu của 2 chiến sĩ CSCĐ là việc làm cần thiết, là hành động đẹp. Nhưng rõ ràng về phương diện sơ cứu trẻ động kinh, co giật là chưa đúng. Có thể, các chiến sĩ chưa được huấn luyện để xử lý tình huống này", bác sĩ Khanh nhận định.

Vị Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM lưu ý nếu gia đình đã biết trước bé có tiền sử động kinh, khi phát bệnh, chỉ cần đưa con đến nằm tại nơi khô thoáng, tránh môi trường đông đúc. Sau đó, tình trạng bé sẽ ổn định.

"Cách sơ cứu trong trường hợp này là cho bé nằm nghiêng, ở nơi khô thoáng. Tuyệt đối không nên nhét tay hay đưa bất cứ vật nào vào miệng bé. Vì khi trẻ lên cơ động kinh thường sẽ cắn răng chứ không cắn lưỡi", bác sĩ Khanh nói và khuyến cáo những quan niệm dân gian cho rằng khi trẻ động kinh thì nhét tay, cạy răng, cạo gió,… để tránh cắn lưỡi là chưa đúng.

"Việc này đôi khi có thể gây ra hậu quả nguy hiểm như tổn thương niêm mạc miệng. Đặc biệt, tuyệt đối không nặn chanh vào miệng bởi người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp.

Trường hợp trẻ động kinh kèm sốt cao, người lớn chỉ cần tiến hành hạ sốt bằng cách lau nước ấm hoặc nhét thuốc qua đường hậu môn của bé. Động kinh hay sốt co giật ở trẻ là bệnh lý bình thường, người lớn không nên quá lo lắng mà có những cách sơ cứu không đúng", Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM khuyến cáo.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news