Tin mới

Dịch chân tay miệng, sởi và sốt xuất huyết cùng tấn công, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Thứ ba, 09/10/2018, 20:58 (GMT+7)

Hiện các bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đồng loạt "vào mùa", Bộ Y tế đã ra công văn khẩn yêu cầu phân loại giảm lây chéo, tử vong.

Hiện các bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đồng loạt "vào mùa", Bộ Y tế đã ra công văn khẩn yêu cầu phân loại giảm lây chéo, tử vong.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường cường trong công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong.

Hiện các bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đồng loạt 'vào mùa' gây áp lực lên các bệnh viện tuyến cuối (ảnh minh họa)

Theo báo Sức khỏe Đời sống, thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện nay, bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue có số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến ngày 8/10/2018 có 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 ca. Trong khi đó bênh tay chân miệng có 61.821 ca mắc, 6 ca tử vong. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca.

Hiện các bệnh nêu trên đều có xu hướng tiếp tục tăng, do vậy số khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng. Đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối trong đó như Bệnh viện Nhi Trung ương, các Bệnh viện Nhi của Tp Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh… gây tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố.

Vì vậy Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Thủ trưởng các cấp khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác truyền thông trong cơ sở khám, chữa bệnh. 

Phải bằng mọi biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi...) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây: Bệnh sởi lây theo đường hô hấp; Bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh; Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây do muỗi Aedes aegypti truyền bệnh.

Tổ chức, hướng dẫn khuyến cáo hoặc bắt buộc phải thực hiện: Đối với người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi. Đối với bệnh tay chân miệng phải rửa tay bằng xà phòng (xà bông) mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ,... Đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện (muỗi sốt xuất huyết Dengue đốt ban ngày đặc biệt là sáng sớm hoặc buổi chiều tối).

Trong quá trình khám và điều trị bệnh cần phân luồng khu khám riêng, khu vực chữa bệnh cách ly để tránh lây nhiễm chéo. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tuyến trên chú trọng công tác chỉ đạo tuyến theo phân công của Bộ Y tế, Sở Y tế. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. Phải đảm bảo công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới...

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news