Tin mới

Nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo với đồ gia dụng chống dính rẻ tiền

Thứ ba, 08/09/2015, 09:25 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia lo ngại chất PFOA-chống dính ở xoong chảo, nano bạc kháng khuẩn tráng trong đồ gia dụng nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ, có thể gây ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, dị tật thai nhi.

Nhiều chuyên gia lo ngại chất PFOA-chống dính ở xoong chảo, nano bạc kháng khuẩn tráng trong đồ gia dụng nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ, có thể gây ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, dị tật thai nhi.

Hiện nay, nhiều chất liệu được nghiên cứu và ứng dụng để tăng tính năng của các sản phẩm đồ gia dụng như kháng khuẩn, chống dính, chống nhăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại các chất này như chất PFOA-chống dính ở xoong chảo, nano bạc kháng khuẩn tráng trong đồ gia dụng, có thể gây ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, dị tật thai nhi. Đối với các sản phẩm được bày bán tại thị trường Việt Nam, bị ảnh hưởng nhiều từ các mặt hàng kém chất lượng của Trung Quốc, nguy cơ nhiễm độc, mắc bệnh còn cao hơn bình thường.

Chống dính... “dính” độc

Các sản phẩm đồ gia dụng ngày nay được ưa chuộng bởi tính tiện dụng của chúng. Các bà nội trợ Việt hiện đại chỉ lựa chọn những sản phẩm xoong chảo chống dính để công việc nấu ăn trở nên nhanh chóng hơn rất nhiều. Nhưng ít người nghĩ đến tác hại của những chất này đối với sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ nhiễm độc và mắc các bệnh nan y một cách từ từ.

Chảo chống dính giá rẻ được chồng đống bán ngoài chợ.

Ngày nay, không chỉ các sản phẩm như xoong, chảo, nồi cơm điện được tráng một lớp chống dính PFOA (axit perfluorooc-tanoic) mà cả hộp cơm văn phòng, hộp đựng thức ăn cũng được chống dính. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu chất này được đưa vào cơ thể có thể dẫn tới nhiều chứng bệnh nguy hiểm liên quan đến tuyến giáp, thậm chí ung thư tuyến giáp.

Nhóm nghiên cứu thuộc đại học Exeter và Y Peninsula, Anh, đã phân tích 4.000 mẫu máu từ trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật quốc gia Mỹ. Kết quả cho thấy, ở nhóm có nồng độ PFOA trong máu trên 25% có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp đôi những người khác...

Sử dụng lâu dài các sản phẩm này, các phân tử nano bạc phân hủy và thẩm thấu vào cơ thể. Chính chất dùng để kháng khuẩn lại phá hủy tế bào gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như Alzheimer, Parkinson và không thể thiếu bệnh ung thư.

Mối nguy hiểm rình rập không chỉ có trong những đồ dùng gia dụng như xoong, chảo mà còn cả các chất nhuộm, chống nhăn cho quần áo. Một số xưởng sản xuất đồ may mặc, để quần áo bền màu, không nhăn, họ đã sử dụng thuốc nhuộm và polime trong quá trình sản xuất polime là chất liệu ngăn ngừa vết bẩn và giúp cho quần áo không bị nhăn.

Ở nhiệt độ thường, polime không gây nguy hiểm nhưng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, chất này phát ra khí độc làm tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, dị tật bẩm sinh và ung thư cho trẻ. Đặc biệt khi là quần áo, hóa chất này sẽ được kích hoạt tối đa. Thuốc nhuộm vải có chứa nhiều hóa chất độc hại và kim loại nặng như crom, đồng, kẽm được sử dụng trong quá trình nhuộm có thể gây ung thư. Nếu quần áo chứa các hóa chất này có thể khiến trẻ bị quầng thâm ở mắt, đỏ da và gặp vấn đề về hành vi ứng xử cũng như học tập.

Hỗn loạn đồ chống dính không rõ nguồn gốc

Theo khảo sát của PV, các sản phẩm phục vụ cho nội trợ như chảo, xoong, nồi cơm điện, khay vỉ nướng... rất đa dạng và hầu hết đều được chủ cửa hàng quảng cáo là đồ chống dính. Tại chợ M.D. (Cầu Giấy, Hà Nội), những chiếc chảo chống dính chồng đống lên nhau bày bán với giá rất bình dân. Một chiếc chảo chỉ khoảng 80 nghìn đồng loại nhỏ, loại to đắt hơn khoảng 100 nghìn đồng. Bà chủ ở đây luôn miệng giới thiệu là hàng hiệu, trên những sản phẩm này cũng có ghi những thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng như Supor, Sunhouse... Nhưng nếu để ý kỹ, đáy chảo rất mỏng, cán chảo được gắn lỏng lẻo. Khi được thắc mắc sao chảo lại rẻ như vậy, bởi lẽ, những chiếc chảo có thương hiệu giá thường dao động từ 200 – 600 nghìn đồng/chiếc, bà chủ liến thoắng, hàng giảm giá mới có giá đó. Còn có loại rẻ hơn nữa nhưng được làm bằng nhôm, khả năng chống dính sẽ kém hơn một chút, bà chủ này giới thiệu.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên, đó là sản phẩm nhái của Supor, Sunhouse.

Không chỉ riêng mặt hàng chảo, nồi cơm điện được tráng lớp chống dính cũng rất đáng quan ngại về độ an toàn. Tại chợ đầu mối lớn Ngã Tư Sở, một số hàng rong bày bán đồ gia dụng như bát, đũa, xoong, chảo và cả nồi cơm điện được quảng cáo là hàng Việt Nam chống dính. Một nồi cơm điện dành cho 4 người ăn cũng chỉ có giá 250 nghìn đồng. Đây thường là sự lựa chọn mua hàng của các sinh viên và công nhân lao động với mức thu nhập thấp.

Nhưng “tiền nào của nấy”, theo lời kể của chị Bùi Thái Hà, nhân viên bán hàng tại siêu thị thì chị có mua một nồi cơm điện ở chợ này ghi hãng AiDi. Vì thấy rẻ nên chị mua luôn chứ không để ý đến nguồn gốc xuất xứ, hay nhãn hiệu. Nhưng khi sử dụng chỉ được vài bữa, nồi cơm nấu hay để lại cháy và đặc biệt là lớp tráng chống dính phai ra bám đen vào miếng cháy ở đáy nồi, làm mọi người trong nhà rất lo sợ nếu ăn phải. Những chiếc chảo mua ở đây cũng như vậy, lớp chống dính không thực hiện được chức năng của nó, mà chỉ để cho đẹp, đánh lừa nhãn quan của người mua hàng.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chất chống dính cho các sản phẩm đồ gia dụng là một thành quả khoa học đáng tự hào của nhân loại. Hoạt động của các chất chống dính thực chất là một quá trình phân tán nhiệt. Khi đun nấu thức ăn, nhiệt thay vì tập trung sẽ phân tán đều đặn, làm thức ăn không bị dính vào xoong, nồi... Nếu những sản phẩm chống dính, có thương hiệu, kiểm định chất lượng đàng hoàng, được sản xuất theo đúng quy trình thì việc chất chống dính ảnh hưởng đến sức khỏe là rất ít và người tiêu dùng cũng không cần quá quan ngại, lo lắng.

Tuy nhiên, nhiều nơi, đồ gia dụng của Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn, giá cả rất rẻ, mẫu mã lại đẹp nhưng chỉ sử dụng một thời gian ngắn thì có sự bong tróc lớp chống dính. Chất phổ biến và hay được nhắc đến nhất là hợp chất Teflon. Đây là vật liệu thông dụng và khá rẻ tiền nhưng không bền, sẽ mòn theo thời gian và dễ trầy xước khi tiếp xúc mạnh với dụng cụ nấu bằng kim loại.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất khi sử dụng chất chống dính này là sau một thời gian, mặt nồi, chảo hay bị bong, có thể dính vào thức ăn, lộ ra lớp kim loại phía dưới. Đặc biệt trong quá trình chế biến các món rán, nhiệt độ khi đó rất cao, tác động vào chất chống dính có thể gây ra quá trình phân hủy và sản sinh ra chất gây độc. Và tất nhiên, bất kỳ hóa chất nào đi vào cơ thể với lượng lớn đều ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì ngộ độc, nặng thì ung thư. Điều đáng nói là chúng lại ảnh hưởng một cách từ từ chứ không bột phát ra luôn, như vậy càng làm người tiêu dùng chủ quan và mua hàng rẻ tiền.

Ông Thịnh nhấn mạnh, mua những sản phẩm của Trung Quốc như vậy, nghĩ là rẻ mà thực chất thành ra chỉ tốn tiền, lại mang bệnh vào người. Không chỉ xoong, chảo, nồi cơm điện, mà khi mua các nồi nướng, vỉ nướng kém chất lượng còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì nhiệt độ của các thiết bị này để sử dụng luôn phải ở nhiệt độ rất cao. Mà nhiệt độ càng cao các chất chống dính rẻ tiền càng dễ biến đổi thành chất độc.

 

Chống độc bằng những phương pháp dân gian chỉ là tạm thời

Ông Thịnh cho biết thêm, nhiều người khi mua nồi mới về có sử dụng một số biện pháp dân gian như kiểu đun nước sôi bỏ dầu vào, hoặc bỏ muối với hy vọng sẽ khử được độc. Thực chất việc đó là để tạo một lớp chống dính tạm thời cho những nồi nhôm, nồi gang ngày xưa khi mà kỹ thuật khoa học còn chưa tiến bộ. Còn để khử độc hay không thì cũng không thể nói trước được.

Nguyễn Nhinh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: chảo chống dính