Tin mới

Y tá Việt từng mắc SARS: "Đừng để Ebola như dịch SARS năm 2003"

Thứ năm, 21/08/2014, 15:27 (GMT+7)

Đó là ý kiến của y tá trưởng Nguyễn Thị Mến, BV Việt Pháp, người đã thoát khỏi “án tử” trong dịch SARS ở Việt Nam năm 2003, khi nói về đại dịch Ebola hiện nay.

Đó là ý kiến của y tá trưởng Nguyễn Thị Mến, BV Việt Pháp, người đã thoát khỏi “án tử” trong dịch SARS ở Việt Nam năm 2003, khi nói về đại dịch Ebola hiện nay.

Hiện nay, tuy dịch Ebola chưa vào Việt Nam, nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, nguy cơ đại dịch này xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Nhất là việc Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp đến từ Nigeria có biểu hiện sốt vào chiều 19/8. Chính vì thế, việc chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với nguy cơ này đã được nhiều cơ sở y tế sẵn sàng.

Ký ức kinh hoàng về SARS

Đối với các cơ sở y tế là vậy, còn các y, bác sĩ - những người đã từng gồng mình chống chọi với các căn bệnh nguy hiểm không kém Ebola, hiện giờ họ cũng đã sẵn sàng tâm lý để đối phó với đại dịch này.

Trong số đó có Y tá trưởng Nguyễn Thị Mến, bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), một trong 5 người mắc bệnh SARS đầu tiên ở Hà Nội. Được biết, trong 5 người đó, 4 người đã bị căn bệnh này cướp đi sinh mạng, chỉ có mình chị là bình phục trở về với cuộc sống.

Chia sẻ với Giadinhonline.vn về những ngày cao điểm của dịch SARS năm 2003, Y tá trưởng Nguyễn Thị Mến cho biết: “Năm 2003, khi SARS xuất hiện lần đầu tiên ở bệnh viện Việt Pháp, chúng tôi chưa hề biết gì về căn bệnh này mà chỉ nghĩ đó là bệnh cúm nặng, mãi sau này khi có nhiều người mắc, bác sĩ chăm sóc cũng mắc, thì chúng tôi mới nghĩ đây là một đại dịch. Bởi nó tấn công cơ thể con người quá nhanh, ngoài sự khống chế và tưởng tượng của con người”.

Ngôi miếu thờ các y, bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, gồm y tá Nguyễn Thị Lượng 15/3; bác sĩ Jean - Paul Dirosier 19/3; y tá Phạm Thị Uyên 24/3; bác sĩ Nguyễn Thế Phương 24/3; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội 12/4 và bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

                

Ngôi miếu thờ các y, bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, gồm y tá Nguyễn Thị Lượng 15/3; bác sĩ Jean - Paul Dirosier 19/3; y tá Phạm Thị Uyên 24/3; bác sĩ Nguyễn Thế Phương 24/3; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội 12/4 và bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Theo chị Mến: “Lúc đầu khi mình mắc bệnh, bản thân cũng không lo lắng gì nhiều vì nghĩ rằng dù là virus gì thì chỉ 1 thời gian là sẽ đào thải. Nhưng cái lo lắng chính là gia đình, vì con cái còn nhỏ. Cho đến khi dịch bệnh bùng phát nhanh thì chúng tôi lại lo sợ nó lan rộng ra cộng đồng, đó mới là đáng sợ”.

Tâm sự trong nước mắt về sự ra đi của các đồng nghiệp ngày đó, chị Mến cho biết: “Khi điều trị tôi bị hôn mê không hề biết gì, đến khi tỉnh lại thì các bạn đã ra đi rồi. Tuy nhiên, lúc đó, bệnh viện vẫn giấu kín, các nhân viên khác cũng giấu kín sự mất mát đó, nên tôi vẫn tin rằng chỉ mình tôi bị nặng và đã qua được”.

“Lúc đó, tôi vẫn có chút nghi ngờ, tuy nhiên các bác sĩ bảo các bạn ấy ổn, an toàn thì tôi rất mừng”, chị Mến chia sẻ.

Nhưng sự thật thì mãi là sự thật, cho đến một hôm trên giường bệnh, tôi nghe được thông tin các bạn tôi và nhiều người khác đã qua đời vì căn bệnh này qua tivi, tôi đã sốc rất nặng, tinh thần suy sụp và mất ngủ nhiều ngày. Tôi không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn như vậy mà lại mất đi nhiều sinh mạng như thế”.

Sẵn sàng đối phó dịch Ebola

Từ những thực tế đã chứng kiến và trải qua cả trong quá trình điều trị bệnh nhân, cho đến khi chính mình là bệnh nhân, y tá Mến cho biết, hiện nay dịch Ebola đang hành hoành ở các nước tây Phi, tuy chưa đến Việt Nam nhưng nguy cơ đó là hoàn toàn có thể.

"Bởi vậy, để tránh những đau thương mất mát như đại dịch SARS đã từng xảy ra, tôi cho rằng chúng ta cần phải có kế hoạch hết sức nghiêm ngặt trong khâu kiểm nghiệm từ ngoài cửa khẩu. Kể cả khi có dịch, chúng ta cũng phải kiểm soát và cách li nghiêm ngặt ngay tại các bệnh viện.", y tá Mến chia sẻ.

                

Y tá Nguyễn Thị Mến, người đã thoát án tử thần kỳ trong đại dịch SARS năm 2003.

“Tôi thấy ở Việt Nam chúng ta, tại các bệnh viện (đặc biệt là các khoa lây, truyền nhiễm) việc đi vào tự do là vô cùng nguy hiểm. Ví dụ như hiện tại, không ít trường hợp đưa cả trẻ con vào thăm bệnh nhân ở trong viện, đó là một môi trường nguy hiểm. Vì thế, chúng ta phải giáo dục cho cộng đồng để tránh được sự giao lưu không cần thiết để tránh được dịch bệnh an toàn nhất”, y tá Mến nói.

Nói về kinh nghiệm cũng như biện pháp nhằm ngăn chặn dịch Ebola, y tá Mến cho hay: “Trước hết, chúng ta làm sao khống chế được thật tốt ở sân bay. Nếu có trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào Việt Nam, chúng ta phải có ngay phương án cách ly hoàn toàn để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế cần phải chuẩn bị sẵn phương án chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, trong đó việc bảo vệ và an toàn cho đội ngũ y bác sĩ là tối quan trọng”.

Về phương diện cá nhân, chị Mến khẳng khái: “Cũng như hồi đại dịch SARS, nếu Ebola có xâm nhập vào Việt Nam, với lương tâm của người thầy thuốc, đặc biệt là đã từng có kinh nghiệm phòng chống bệnh SARS tôi không thể đứng ngoài cuộc khi nhận được sự phân công.

Bởi, việc làm đó của mình tuy nhỏ bé, nhưng cũng góp phần khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, cũng như giúp được người bệnh chống chọi với bệnh tật”.

Lê Phương

Theo Gia Đình VN

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news