Tin mới

Đột nhập kiểu karaoke trá hình "lạ" ở TP.HCM

Thứ hai, 09/03/2015, 21:20 (GMT+7)

Ngoài các quán karaoke treo bảng hẳn hoi, vẫn còn rất nhiều quán karaoke trá hình trong các khách sạn và hình thức mới nhất là hát trong cabin.

Ngoài các quán karaoke treo bảng hẳn hoi, vẫn còn rất nhiều quán karaoke trá hình trong các khách sạn và hình thức mới nhất là hát trong cabin.

Công nghệ hát karaoke bằng... đồng xu

 

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều điểm kinh doanh “máy tập hát” hay còn gọi “máy game karaoke”. Song thực chất đó chính là các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã xuất hiện tại Việt Nam, chủ yếu là hai thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác, nhưng hiện chưa có một văn bản quy phạm pháp luậtnào điều chỉnh hoạt động này. Ở phía trong những cabin này cũng có những câu chuyện đáng bàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM, hầu hết các khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, trẻ em hoặc khu vui chơi giải trí nói chung trong các siêu thị, trung tâm thương mại đều có bố trí các cabin hát karaoke. Gọi là cabin là vì về hình thức nhìn nó giống một cabin của xe ô tô. Nó được thiết kế dạng hình hộp chữ nhật dựng đứng, tùy nơi, tùy điểm nhưng đa phần là dùng dạng này.

Trong đó, có bố trí một dàn máy tích hợp, có kèm hệ thống loa và micro. Trên mỗi bàn có một màn hình, đa phần đã sử dụng màn hình tivi LED. Dưới đó là các nút bấm thể hiện các con số từ 1 đến 9. Bên cạnh đó là các hiệu lệnh: Play, stop, cancel (phát, tạm dừng, hủy - PV).

Đột nhập' kiểu karaoke trá hình mới nhất ở TP.HCM - Ảnh 1

Các “máy tập hát”, “game karaoke”... trong các khu vui chơi giải trí ở các siêu thị, trung tâm thương mại... thực chất là dịch vụ karaoke.

Đi kèm với dàn máy này là một cuốn danh sách bài hát (list). Nó không thua kém gì các phòng karaoke chuyên nghiệp, khi cập nhật đầy đủ các bài hát mới nhất hiện nay. Tương tự như khi đi hát karaoke tại cơ sở kinh doanh, khi vào đây khách cũng bấm chọn bài dựa trên các nút bấm.

Tuy nhiên, nó không tính tiền bằng tiền mặt, theo giờ mà được tính theo thẻ xu (hay còn gọi là xèng). Cũng như nhiều loại game khác, tùy nơi, tùy điểm kinh doanh mà có giá bán đồng xu khác nhau, nhưng phổ biến từ 2.000 – 4.000 đồng/xu. Mỗi xu tương ứng với một bài hát. Có nơi phải dùng hai thẻ xu mới có thể hát được một bài.

Đặc điểm của dòng máy này là tiện lợi, nhỏ gọn, có thể bố trí nhiều “phòng” hát trong diện tích nhỏ nhưng mỗi phòng chỉ chứa từ hai đến bốn người. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến một số cơ sở kinh doanh dịch vụ này thì đa phần người vào hát chính là các em học sinh.

Tại khu trò chơi dành cho trẻ em của siêu thị Coop Mart Củ Chi (huyện Củ Chi), khi chúng tôi vào thì thấy có nhiều em học sinh đang hát. Các em hát rất sôi nổi và có đến bốn, năm em ngồi chung trong một cabin chật chội, trong khi tiết trời lại nóng. Dù trong cabin có bố trí chiếc quạt nhưng chúng tôi cũng thấy ngột ngạt.

Điều đáng bàn là các em không hát các bài phù hợp lứa tuổi mà đi hát những bài đang “hot” theo kiểu của em như “ông xã nam bo oan”, “bà xã tui nam bo oan”, “1,2,3 zô zô”... Khi hát xong thì máy cũng hiện lên chấm điểm. Một nhược điểm của loại hình này là chất lượng âm thanh rất dở.

Anh Nguyễn Hùng (ngụ quận Tân Bình) cho biết, hát ở trong các cabin này dù giá tiền không thua kém gì các phòng karaoke nhưng chất lượng âm thanh quá tệ. Nếu tính bình quân một bài hát khoảng 4 – 5 phút, với giá 4 ngàn đồng thì một giờ cũng lên 50 – 60 ngàn đồng rồi. Thêm vào đó, vì cabin chật chội lại nóng nực nên rất khó chịu. Hát được vài bài thì phải đi ra vì nó được thiết kế bằng khung cửa kính và sắt nên rất ngợp.

Loại máy này đa phần là của Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. Trong vai một người cần máy, chúng tôi đã tìm đến một số cơ sở chuyên cung cấp loại máy này. Được biết loại máy này có giá 16 triệu đồng/chiếc, loại do Việt Nam sản xuất. Khi mua, khách sẽ được tặng kèm 1.000 thẻ xu và giao hàng tận nơi, số lượng bao nhiêu cũng có. Kể cả loại Trung Quốc sản xuất.

Vì sao không phải xin cấp phép?

Ngoài đi hát karaoke trong các cabin, cũng giống như nhiều dịch vụ khác, để tìm các khách sạn có kinh doanh karaoke không khó chút nào. Trong vai một nhân viên đi đặt phòng cho khách, chúng tôi cũng khám phá ra được nhiều điều. Ví như tại khách sạn New Epoch (phường 7, quận 3), nhân viên cho biết, hiện tại, Epoch Karaoke có bảy phòng, trong đó có hai phòng VIP với sức chứa từ 10 đến 30 người.

Đột nhập' kiểu karaoke trá hình mới nhất ở TP.HCM - Ảnh 2

Hát karaoke trong các cabin.

Tại đây, lễ tân cho biết, tùy phòng mà có giá khác nhau, phòng thường thì có giá 99 ngàn đồng/1 giờ. Hay như lễ tân khách sạn Regal ở Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết, bên em chỉ có karaoke dành cho khách Hàn Quốc thôi. Khách Việt thì không được hát nhưng cách đây khoảng ba căn cũng có karaoke dành cho khách Việt, anh cứ yên tâm.

Một điểm đến thường được khách chọn, đó chính là khách sạn Đặng Dung ở Đặng Dung, phường Tân Định (quận 1 TP.HCM). Anh T., một người đã lui tới điểm này cho biết, chỗ karaoke này có nhiều chân dài phục vụ khá tận tình, cứ thử đến mà xem. Khách sạn này cũng “quảng cáo”, dịch vụ karaoke khá tế nhị: “Được trang trí bằng những họa tiết riêng, tạo cảm giác ấm cúng, thân quen, gần gũi và dễ chịu. Hệ thống âm thanh hiện đại, luôn cập nhật những bài hát mới cùng với màn hình LCD 37’ sẽ đem đến cho quý khách những giây phút thích thú, thoải mái...”.

Để rõ thực hư, chúng tôi đã tìm đến đặt phòng và hỏi có karaoke hay không. Chị Phương, lễ tân khách sạn cho biết, hiện khách sạn có 12 phòng. Phương còn dặn trước là “bên em có nữ tiếp viên phục vụ khách đấy nhé”.

Chúng tôi hỏi, nữ chân dài, ăn mặc mát mẻ, đẹp đúng không? Phương trả lời: “Dạ vâng ạ”. Hay như khách sạn Saigon Star ở Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) cũng có 15 phòng karaoke. Tại đây có nhiều sảnh phòng riêng biệt tại tầng 1 và 2 và luôn cập nhật bài hát mới với nhiều ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Trung, Nga.

Khi chúng tôi hỏi, giá bao nhiêu một giờ, lễ tân khách sạn cho biết, trên 100 ngàn đồng; có nữ tiếp viên hay không, lễ tân cho biết, chỉ nam nhưng có các nữ PG tiếp thị các hãng bia rượu, thuốc lá... Chúng tôi hỏi, có thể nhờ khách sạn điều tiếp viên, PG phục vụ tới hát karaoke cùng được không. Lễ tân nói: “Không được nhưng anh có thể đi với bạn từ bên ngoài vào thì được”.

Một điểm dễ nhận thấy chính là dịch vụ karaoke trong các khách sạn chủ yếu là “của người khác”. Nghĩa là các khách sạn cho thuê lại mặt bằng, phòng ốc cho một đơn vị khác kinh doanh. Vì thế, chất lượng phục vụ, có đào hay không cũng phụ thuộc vào đơn vị kinh doanh.

Khách sạn không phải xin giấy phép hoạt động karaoke

Tại khoản 3, Điều 66 của Luật Du lịch quy định, các cơ sở lưu trú du lịch, gồm khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ nhưng phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện. Nghĩa là kinh doanh karaoke không phải đăng ký kinh doanh. Đây đang được xem là điều bất cập, tạo ra sự khó khăn trong công tác quản lý.

Chí Thanh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: karaoke trá hình