Tin mới

Đốt vàng mã đáng lẽ cần cấm từ lâu: “Thần linh, hương linh có dùng đâu"

Thứ sáu, 23/02/2018, 15:32 (GMT+7)

"Hiện còn bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì chùa Quán Sứ chia sẻ.

"Hiện còn bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì chùa Quán Sứ chia sẻ.

Kết quả hình ảnh cho đot vang ma nha lau xe hoi

Ảnh minh họa.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn do Hòa thượng Thích Thanh Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trong đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Trao đổi về vấn đề này trên Tri thức trực tuyến, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì chùa Quán Sứ cho rằng việc đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí tiền của.

Sau khi bàn bạc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng số tiền mua vàng mã để đốt tại sao không để thực hiện các công việc an sinh xã hội. Việc đốt vàng mã là theo phong tục tập quán của người dân từ xa xưa. Nhưng trước đây, người dân đốt rất ít. Càng ngày, con người càng nghĩ và sản xuất ra vàng mã hình thù đủ mọi thứ vì vậy việc này cần phải hạn chế.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, hiện còn bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý.

Muộn nhưng cần thiết

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, công văn 31 của Giáo hội Phật giáo có nội dụng đề nghị bỏ đốt vàng mã là nó quá muộn, lẽ ra nên ban hành sớm thì đỡ gây ô nhiễm, lãng phí tiền bạc của người dân.

Thượng tọa Từ phân tích: Năm 2009, Chính phủ có công văn về việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng. Năm 2013, Nghị định 157 quy định phạt người đốt vàng mã nơi công cộng 500.000 đồng.

"Nếu như thời điểm này, Giáo hội Phật giáo ban hành công văn trên thì sẽ hiệu quả hơn nhiều, vì nó tạo được hiệu ứng như domino. Theo Phật giáo, người chết thì đều tái sanh hết. Cho nên, việc tin rằng dưới âm phủ có sự sống của người chết là không đáng được tin, không đáng được khích lệ", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Cũng theo Thượng tọa Nhật Từ, để làm hiệu quả việc này, cấp tỉnh, thành xuống huyện, phường xã phải  xuống từng chùa vận động. Công văn đó phải được gửi đi cho hơn 18.000 ngôi chùa trên toàn quốc. Tất cả các chùa chiền ra một hạn định trong vòng bao nhiêu ngày tập hợp quần chúng và triển khai tinh thần của công văn.

Bên cạnh đó, các vị trụ trì cần phân tích cho người dân hiểu nguồn gốc đốt vàng mã là xuất phát từ Trung Quốc.

Đốt vàng mã chỉ để tượng trưng, thần linh không hưởng

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng – trụ trì chùa Quan thế âm Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), cho biết hiện tại thì Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng vẫn chưa nhận được công văn từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc nầy cần được ủng hộ nhưng phải có biện pháp từ từ.

Trên Trí thức trẻ dẫn lời thầy Vinh cho rằng việc đốt vàng mã là sự tượng trưng một cái gì đó để cúng kiếng nên rất vô cùng. Nhưng xã hội ngày nay quá lạm dụng vấn đề này.

"Chúng ta cúng một dĩa trái cây, bình nước thì cũng giống việc đốt hàng thùng vàng mã. Đó chỉ là một vật tượng trưng thể hiện cho tấm lòng. Chúng ta mượn hình thức để nói lên tấm lòng với thế giới tâm linh. Nhưng khi người ta quá sa đà vào thì cứ tưởng đó là thật.

Việc đốt vàng mã đang biến tướng nên Giáo hội mới đưa ra lời kêu gọi vì nó quá lãng phí của cải và gây ô nhiễm môi trường.

Mình cúng dĩa xôi, quả, chén nước hay bất cứ thứ gì thì thần linh, hương linh đâu có ăn đâu. Công văn của Giáo hội đưa ra nhằm để vấn đề đốt vàng mã bớt cực đoan", Thượng tọa Thích Huệ Vinh bày tỏ.

Theo Thượng tọa Vinh, người Phật tử nên đốt vàng mã tượng trưng thôi. Số tiền mua những thứ "nhà lầu, xe hơi"... nên để anh cứu nhân độ thế, giúp đỡ người nghèo thì tốt hơn.

"Việc đốt vàng mã quá đà như hiện nay một phần cũng do một số ngôi chùa không hướng dẫn Phật tử hiểu tường tận ý nghĩa. Do vậy, dân chúng cứ hiểu rằng đốt càng nhiều, càng thật thì càng giá trị, thể hiện sự thành tâm", Thượng tọa Vinh nói.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news