Tin mới

Vì vụ giàn khoan HD-981, Wechat lại bị tẩy chay

Thứ ba, 13/05/2014, 20:29 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Sau khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ứng dụng Wechat một lần nữa lại bị người dân Việt Nam tẩy chay. 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Tinmoi.vn) Sau khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ứng dụng Wechat một lần nữa lại bị người dân Việt Nam tẩy chay. 

Tháng 4/2012, WeChat, ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí do Tencent - một trong những hãng phần mềm lớn nhất tại Trung Quốc phát triển đã chính thức "đổ bộ" vào Việt Nam.

Trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình năm 2012, ông Minh cho biết, WeChat đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 2-3 tháng và đạt gần 1 triệu người dùng sử dụng với 2 phiên bản trên hệ điều hành iOS và Android.

Theo ông Minh, lượng thành viên của WeChat là một con số vô cùng lớn với di động khiến VNG vô cùng sốc và mọi suy nghĩ trước đây như sản phẩm không quan trọng, không có người dùng ở Việt Nam đều phải dẹp bỏ.

Ở thời điểm đó, ngay cả các “ngôi sao thần tượng tuổi teen” cũng không tiếc lời ca ngợi ứng dụng di động này trên trang cá nhân của mình, càng khiến cho WeChat nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Theo Bảng xếp hạng những ứng dụng hot nhất mục Social Network (MXH di động) của kho ứng dụng Apple ở Việt Nam, ứng dụng WeChat luôn nằm trong vị trí dẫn đầu các phần mềm chat, nhắn tin miễn phí qua Internet.

Như từ thời điểm từ 1/1/2013 đến 30/1/2013, ứng dụng WeChat giữ vị trí số 2 hoặc số 3, sau Facebook Messenger (từ 1/1 đến 7/1) và sau Zalo, Facebook Messenger (từ 7/1 đến 30/1).

Đến thời điểm 15/2/2013, WeChat chỉ đứng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng, trong khi các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet khác đều nằm trong Top 5.

Đặc biệt, sau sự cố của WeChat, Kakao Talk và Line đã tranh thủ cơ hội vươn lên, Kakao Talk từ vị trí số 7 lên vị trí số 2, còn Line đã tăng 7 bậc (từ số 10 lên số 3).

Tuy nhiên, việc tham gia thị trường của các công ty Trung Quốc này cũng dấy lên mối lo ngại liệu đây có phải là các phần mềm có khả năng theo dõi và lấy cắp dữ liệu của người dùng hay không?

Trong buổi nói chuyện với các phóng viên công nghệ của Việt Nam vào đầu năm 2012, đại điện WeChat khẳng định họ tiến vào Việt Nam đơn thuần với mục tiêu kinh tế và không có động cơ chính trị.

Vào thời điểm cực thịnh, WeChat đã có tới gần 2 triệu thành viên tại Việt Nam. Thế nhưng, sự cố đã xảy ra vào cuối tháng 1/2013 khi người dùng phát hiện WeChat âm thầm đưa "đường lưỡi bò" vào của bản đồ thế giới.

Ngay lập tức Cộng đồng mạng Việt Nam đồng loạt tẩy chay ứng dụng WeChat do phiên bản WeChat quốc tế sử dụng tấm bản đồ không hiển thị rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

"hình minh họa"

Sau ngày 30/1/2013 khi người dùng Việt Nam đồng loạt tẩy chay ứng dụng WeChat, phần mềm này đã “tụt dốc” không phanh, có những thời điểm, ứng dụng này chỉ còn xếp ở vị trí số 16 và bị các ứng dụng cùng loại khác như Kakao Talk, Line, Viber, Zalo, Facebook Mesenger vượt qua.

Sau khi WeChat bị người dùng tẩy chay, các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua mạng khác như Line, Viber, Kakao Talk… đều tăng lượt tải trên AppStoreVN từ 30 - 40%.

Sau sự cố đó, các hoạt động của WeChat đã gần như tê liệt tại Việt Nam và cái tên của ứng dụng này ít được nhắc đến.

Mặc dù vậy, trong hơn 1 năm qua, WeChat âm thầm lấy lại sự ổn định khi họ liên tục “mấp mé” vị trí top 10 ứng dụng Social Network được tải nhiều nhất trên iOS.

Thậm chí, cuối tháng 12/2013, WeChat còn đứng ở vị trí số 7 trong bảng xếp hạng. Đây là một vị trí khá cao, hiện tại (tháng 5/2014), WeChat đang đừng số 11, trong khi Line, Kakao Talk - 2 ứng dụng quảng cáo khá “rùm beng” suốt thời gian qua lần lượt ở vị trí số 9 và 16.

Còn trên Android, WeChat thường xuyên đứng ở vị trí số 11 trong suốt 1 năm qua ở bảng xếp hạng Communication. Tính đến tháng 5/2014,WeChat đang xếp vị trí số 11, thấp hơn một chút so với Line (số 8) và cao hơn hẳn so với Kakao Talk (số 14).

Hiện không có thông tin chính thức về số thuê bao dùng WeChat tại Việt Nam nhưng với vị trí trên bảng ứng dụng Social Network được tải nhiều nhất trên iOS có thể suy đoán là WeChat đã trở thành ứng dụng âm thầm thực hiện "xác ướp trở lại" với người dùng Việt Nam.

Thế nhưng, con đường tiến vào thị trường Việt Nam của ứng dụng WeChat khá gập ghềnh khi mới đây, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông khiến một lần nữa ứng dụng WeChat bị nhiều người dùng Việt Nam kêu gọi tẩy chay.

Trên các mạng xã hội, rất nhiều người tuyên bố đã xóa bỏ ứng dụng WeChat ngay khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Các thành viên mạng xã hội này còn kêu gọi cộng đồng mạng cũng hành động tương tự.

Một thành viên trên Facebook nói rằng mới đây khi mua Nokia X được cài sẵn ứng dụng WeChat, thành viên này đã xóa luôn ứng dụng. Một thành viên Facebook có nick là Hung Nguyen cho biết chỉ khi xảy ra căng thẳng trên biển Đông nghe trên mạng xã hội mới biết WeChat là ứng dụng của Trung Quốc nên xóa ngay.

Một thành viên có nick là Gato thì kêu gọi người dùng Việt Nam hãy nói “Không” với WeChat dù ứng dụng này cũng có một số ưu điểm.

Trước phản ứng của người dùng Việt Nam, một lần nữa WeChat lại "ngồi trên đống lửa" và đang có nguy cơ trở về "vạch xuất phát" khi bị kêu gọi tẩy chay.

Quỳnh Hoa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news