Tin mới

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục lỡ hẹn, lùi tiến độ đến năm 2021

Thứ sáu, 30/03/2018, 13:41 (GMT+7)

Bộ Giao thông - Vận tải gửi đến Thủ tướng với đề nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh giai đoạn kết thúc dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ khai thác sử dụng vào năm 2021.

Bộ Giao thông - Vận tải gửi đến Thủ tướng với đề nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh giai đoạn kết thúc dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ khai thác sử dụng vào năm 2021.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lùi tiến độ chạy thử đến quý 4 - Ảnh 1.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục lỡ hẹn. Ảnh: Tuổi trẻ

Đặc biệt, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, có ý kiến với nhà tài trợ để hỗ trợ bộ này đôn đốc tổng thầu đẩy nhanh tiến độ dự án.

Lý giải vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: Theo đúng kế hoạch, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác từ quý 4/2018. Tuy nhiên, theo hiệp định ký kết, đến năm 2021 mới hoàn thành là do điều chỉnh thời gian thực hiện để hoàn thành các thủ tục của dự án.

“2018 sẽ đưa dự án vào khai thác, còn 3 năm sau là thời gian bảo hành và thời gian quyết toán dự án”, đại diện Ban quản lý xác nhận.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị).

Đại diện Tổng thầu Trung Quốc cũng thừa nhận, để đạt được mục tiêu hoàn thành, bàn giao cuối năm 2018 còn rất nhiều khó khăn dù khối lượng không nhiều nhưng còn phức tạp, ít đơn vị thực hiện. Một số việc không thể làm cùng một lúc.

Dự án đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ do thiếu mặt bằng, vướng thủ tục vay và giải ngân vốn, tổng thầu EPC nợ tiền thầu phụ...

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD bao gồm vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Đến đầu năm 2014 dự án được điều chỉnh lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Chính phủ đã đồng ý vay bổ sung 250,62 triệu USD từ phía Trung Quốc nhằm để bố trí cho phần lớn tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, phần còn lại sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam

Đầu năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải giao Tổng thầu thực hiện tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9/2016 và khai thác toàn tuyến từ 31/12/2016.

Đến tháng 6/2016, do dự án tiếp tục chậm trễ, Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra mục tiêu cuối cùng đến 31/12/2016 hoàn thành phần xây lắp dự án.

Tuy nhiên, mục tiêu đó không thành, đầu tháng 2/2017, Bộ Giao thông -Vận tải chốt tiến độ vận hành thử dự án từ tháng 10/2017 để cuối quý 1, đầu quý 2/2018 đưa vào khai thác chính thức.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news