Tin mới

Formosa lấn 300ha biển làm bãi thải xỉ: Bộ TN&MT lên tiếng

Thứ bảy, 29/07/2017, 08:57 (GMT+7)

Trước thông tin công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) lấn gần 300 ha biển để chôn hàng chục triệu m3 xỉ thải, Bộ TN&MT yêu cầu FHS đề xuất phương án đảm bảo độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần.

Trước thông tin công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) lấn gần 300 ha biển để chôn hàng chục triệu m3 xỉ thải, Bộ TN&MT yêu cầu FHS đề xuất phương án đảm bảo độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần.

Bãi thải lấn biển của Formosa nằm ở phía nam cảng Sơn Dương. Ảnh: TTTT

Để xử lý lượng xỉ khổng lồ lên đến hàng chục triệu m3 trong quá trình luyện thép, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hoàn tất được việc xây một hệ thống kè lấn biển để chôn lượng xỉ thải lên tới hàng chục triệu tấn.

Theo báo cáo tác động môi trường ở hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm giai đoạn 1, thuộc Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương FHS đã được Bộ TN&MT thẩm định bằng Quyết định số 1315/QĐ-BTNMT, ngày 30/6/2008 có đoạn viết: “Bãi xỉ lấn biển có diện tích 281,6 ha, quy mô 40.256.072m3. Có thể chứa được 92.595.866 tấn, và thời gian chứa của bãi xỉ là 70 năm. Bình quân mỗi năm thu gom về bãi xỉ khoảng 1.322.790 tấn. Bãi chứa xỉ này áp dụng theo công nghệ đã được sử dụng thành công trên thế giới, đảm bảo không gây ô nhiễm đối với môi trường nước biển. Trong bãi xỉ lấn biển được xây dựng đảm bảo không làm ô nhiễm nước biển. Bãi xỉ lấn biển này có đê bê tông và lưới lọc nước xung quanh, nước mưa không thể trần qua bãi xỉ vì đê có độ cao hơn 6m”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, FHS đã nghiên cứu và đề xuất phương án tái sử dụng phần lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh để phục vụ quá trình sản xuất. 

Theo thông tin trên VietNamNet, hiện tại, bãi xỉ của FHS đã được điều chỉnh xây dựng trên diện tích chỉ còn 143 ha, phần còn lại FHS hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi thành khu vực lưu giữ nguyên liệu sản xuất cho giai đoạn 2 của dự án.

Thực tế, bãi thải nằm ở phía nam cảng Sơn Dương, gồm đất và mặt nước trong tổng thể Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương FHS.

Hiện FHS đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống đê lấn biển dài hàng cây số, tạo thành một lòng hồ rộng lớn hình chữ nhật tính từ bờ ra. Hệ thống đê lấn biển đổ bê tông kiên cố dài tít tắp. Trong lòng hồ nước biển xanh ngắt sẵn sàng cho việc chuẩn bị tiếp nhận hàng triệu tấn xỉ thải khi nhà máy đi vào vận hành sản xuất.

Liên quan đến bãi thải lấn biển của FHS, trên Tiền phong dẫn lời ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT xác nhận: Bộ đã phê duyệt 2 báo cáo tác động môi trường vào các năm 2008 và 2015 của Formosa, trong đó có bãi xỉ thải lấn biển. Formosa đã hoàn thành hệ thống đê của bãi thải lấn biển, tuy nhiên phải hoàn thành vài hạng mục như: Trải bạt chống thấm tầng đáy, thân đê… mới đưa vào sử dụng.

Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, hoàn chỉnh bãi lưu giữ xỉ thải là chất thải rắn công nghiệp thông thường, gồm: 

Đảm bảo tiêu chuẩn chống thấm đối với đáy bãi; chống thẩm thấu mặt ngang; đảm bảo độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần. 

Ông Thức cho rằng: Bãi thải này chỉ được phép chứa những chất thải không độc hại, còn gọi là chất thải công nghiệp thông thường nên không gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp gió bão, động đất, sóng thần có làm vỡ bãi thải cũng không gây ô nhiễm môi trường.

"Quan điểm của Bộ TN&MT là hết sức cẩn trọng, giám sát chặt việc đổ thải, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Tới đây Bộ sẽ yêu cầu FHS khoan thăm dò địa chất ở lòng bãi thải, trải bạt chống thẩm thấu mặt đáy, mặt ngang đúng quy chuẩn mới cho đưa vào sử dụng", ông Thức nói và cho biết thêm, trong tháng 8, FHS sẽ tiếp tục khảo sát địa chất khu vực bãi lưu giữ xỉ và trình Bộ TN&MT xem xét, đánh giá.

Cũng theo ông Thức, trong trường hợp FHS có biểu hiện gian dối trong đổ xỉ thải, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT, nói: Trong sản xuất công nghiệp có bộ quy chuẩn, để cho ra một tấn sản phẩm thì sẽ có bao nhiêu rác thải, trong đó có con số rác thải độc hại và rác thải thông thường. Định kỳ sẽ có kiểm tra, thanh tra, nếu có gian dối sẽ bị phát hiện xử lý ngay.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news