Tin mới

Ga ngầm C9 bên hồ Hoàn Kiếm: Phương án di dời 9 cây sưa đỏ

Thứ hai, 19/03/2018, 14:24 (GMT+7)

Trong bản kế hoạch xây dựng nhà ga C9 qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, Ban Quản lý đường sát đô thị Hà Nội dự kiến sẽ có 54 cây xanh khu vực vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, phố Trần Nguyên Hãn, phố Đinh Tiên Hoàng bị ảnh hưởng.

Trong bản kế hoạch xây dựng nhà ga C9 qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, Ban Quản lý đường sát đô thị Hà Nội dự kiến sẽ có 54 cây xanh khu vực vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, phố Trần Nguyên Hãn, phố Đinh Tiên Hoàng bị ảnh hưởng.

Theo thông tin trên Tiền Phong cho hay, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc đếm cây ở khu vực xây dựng nhà ga C9 đã được triển khai. Cụ thể, trong phiếu điều tra khảo sát cây bóng mát ngày 6/3/2014 về việc chặt hạ đánh chuyển cây trong phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) địa điểm nhà ga C9 cho thấy, nhiều cây xanh bị ảnh hưởng, trong đó có 3 khu vực là vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, phố Trần Nguyên Hãn và phố Đinh Tiên Hoàng.

Tổng số cây bị ảnh hưởng là 54 cây, trong đó có nhiều loại như sưa đỏ, mõ, phượng, tếch, muồng, móng bò, đa, thàn mát, quếch, bằng lăng, me, sấu, chẹo. Cây to nhất có đường kính khoảng 115 cm, nhiều cây đường kính dao động từ 30 - 80 cm. 9 cây sưa đỏ đều được lên phương án đánh chuyển. Một số cây khác như muồng, móng bò, quếch... đáp ứng đủ một số điều kiện cũng được ưu tiên đánh chuyển...Sau khi Sở Xây dựng cấp phép phương án chặt hạ, đánh gốc với 33 cây, đánh chuyển 21 cây sẽ được thực hiện. Ban quản lý đường sắt đô thị chi trả kinh phí.

Cây xanh ở khu vực vườn hoa hồ Hoàn Kiếm bị ảnh hưởng khi xây ga ngầm C9

Lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trên bản vẽ công bố quy hoạch xin ý kiến người dân cũng đã thể hiện rõ ký hiệu của các cây xanh nằm trong khu vực xây dựng nhà ga C9.

“Khi thi công thì rõ ràng phải đánh đi”, người này nói. Vị này cũng cho biết, đã thống kê chi tiết từng loại cây, trong đó có nhiều cây to.

“Một số cây xà cừ ở khu vực đền Bà Kiệu nếu chặt hạ thì hết khoảng 22 triệu/cây, còn nếu đánh chuyển thì chi phí hết khoảng 100 triệu/cây”, người này nói thêm.

Theo phương án quy hoạch, ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Theo đó, khoảng cách ngắn nhất từ thân Ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.

Tại cuộc trưng bày phương án quy hoạch nhà ga C9 vào năm 2014, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ga C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, nằm cạnh nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Bút, tượng đài Cảm tử,... "là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm nên nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người".

KTS Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) thiết nghĩ xây dựng đường sắt đô thị là cần thiết, nhưng đừng áp sát quá vào khu vực Hồ Gươm.

"Ai cũng biết nhà ga, ở tất cả các nước trên thế giới, thì nhà ga vẫn là nơi hỗn độn, tệ nạn, lừa đảo nhiều nhất. Còn ở phương Tây họ cũng có những ga đường sắt đi vào trung tâm, nhưng họ sẽ đưa khách lên quảng trường rất lớn, để giải tỏa người vào ga" - ông Anh nói.

Theo ông Anh, không nên dùng di sản quý nhất của thủ đô vào việc làm sân ga. Vì Hồ Gươm trước hết là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị, chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc… và toàn bộ lịch sử hiện đại của Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử nó luôn là không gian trọng yếu.

Điều đáng quan tâm hiện nay, theo ông Anh, các dấu tích lâu đời của các triều đại xưa xung quanh hồ cũng không còn nhiều, do vậy cần được làm nổi bật. Thậm chí, chỉ còn một nhóm nhỏ, ngày xưa Pháp cũng đã phá đi nhiều, chỉ giữ lại vài điểm nhấn nhỏ như đền Ngọc Sơn, đình Vua Lê, tháp Rùa, có nghĩa còn một số di tích nhất định, nhưng không còn nhiều. Hơn nữa, thực ra Hồ Gươm là một tổng thể, là trái tim thủ đô nên chúng ta phải bảo vệ.

Đưa ra phương án cụ thể, ông Anh chỉ rõ, đoạn đường từ quảng trường ngày xưa ra đến tận Ngân hàng nhà nước, khoảng đất này nếu làm nhà ga thì tốt hơn, thậm chí có thể được xa hơn nữa.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news