Tin mới

Gắn camera ở "phố đèn đỏ" và cà phê đèn mờ có ảnh hưởng đến quyền riêng tư?

Thứ ba, 26/05/2015, 20:11 (GMT+7)

Hàng loạt camera được gắn dọc "phố đèn đỏ" và trước các quán cà phê đèn mờ ở phường 12, quận Gò Vấp, TP HCm nhưng nếu gắn không đúng chỗ sẽ ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người dân.

Hàng loạt camera được gắn dọc "phố đèn đỏ" và trước các quán cà phê đèn mờ ở phường 12, quận Gò Vấp, TP HCm nhưng nếu gắn không đúng chỗ sẽ ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người dân.

“Mắt thần” xua tan các loại tệ nạn

Trung tá Lê Thành Hưng – Trưởng Công an phường 12 – cho biết, nhờ camera giám sát mà hàng chục vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội được phát hiện, can thiệp kịp thời. Trong đó có việc giải quyết tệ nạn mại dâm trên đường Phan Huy Ích và Tân Sơn - nơi được gọi là "phố đèn đỏ".

Tương tự, Công an phường 12 cho lắp camera đối diện các quán cà phê đèn mờ, những con hẻm là tụ điểm cờ bạc, đá gà. Một thời gian sau, những quán này đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. “Lắp camera cũng như đánh vào tâm lý người ta. Thấy camera theo dõi, khách mua dâm đâu dám tới nữa”, trưởng công an phường chia sẻ. Được biết người dân phải đóng mỗi nhà khoảng 200.000 cho việc triển khai lắp camera.

Công an phường 12, quận Gò Vấp đang theo dõi những hình ảnh được “mắt thần” ghi lại. 

Từ khi mô hình camera được đưa vào sử dụng, tệ nạn mại dâm trên đường Phan Huy Ích – Tân Sơn, nơi được gọi là “phố đèn đỏ” đã được cải thiện đáng kể. Có “mắt thần” giám sát, gái mại dâm “hết đất sống”, không còn lảng vảng đứng đường chèo kéo khách như trước đây.

Cũng theo trung tá Hưng, không chỉ phòng chống tội phạm, những “mắt thần” còn giúp công an truy xét nhanh các đối tượng gây án, trộm cắp hay những vụ gây Tai nạn giao thông bỏ trốn…

Lo ngại đời sống riêng tư bị ảnh hưởng

Trao đổi với chúng tôi luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Cùng với sự phát triển của xã hội thì việc sử dụng camera giám sát càng trở lên phổ biến. Với các nước phát triển thì hầu hết những nơi công cộng đều có camera giám sát nhằm mục đích bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, để quản lý xã hội.

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, dân sự... cho thấy ghi hình, hình ảnh cũng là một trong những chứng cứ quan trọng để làm sáng tỏ sự thật của vụ án, là căn cứ để cơ quan điều tra đấu tranh với tội phạm. Vì vậy, việc sử dụng camera ở nước ta tại những nơi công cộng, nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự công cộng là điều nên làm và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, gắn camera ở đâu nhằm mục đích gì phải được xác định rõ ràng tránh tình trạng phát triển tràn lan xâm phạm tới quyền riêng tư của người khác”.

Theo các quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa tại Điều 38 Bộ luật dân sự thì quyền bí mật đời tư được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Điều 31 Bộ luật dân sự cũng quy định về việc bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân. Tuy nhiên, phải hiểu rằng pháp luật bảo vệ bí mật đời tư, quyền tự do về hình ảnh không phải trong mọi trường hợp, không phải vì bảo vệ bí mật đời tư mà không được quay phim, chụp ảnh, ghi hình bất cứ công dân nào, trong bất cứ trường hợp nào....

Tại những nơi công cộng là những nơi hoạt động chung của cộng đồng, vì mục đích bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng thì nhà nước hoàn toàn có quyền gắn camera để giám sát các hoạt động của công dân nơi công cộng, để phát hiện, ngăn ngừa những vi phạm pháp luật, trong đó có việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm. Việc này được thực hiện ở hầu hết các nước phát triển.

Đối với các không gian riêng, những khu vực nhà đất thuộc sở hữu tư nhân thì các cơ quan nhà nước chỉ được gắn camera giám sát khi được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp của nhà đất đó. Việc gắn camera vào khu vực thuộc quyền sở hữu riêng của người khác mà không được người đó đồng ý mới phạm luật.

Trong những khu vực kinh doanh, giải trí như quán nhà hàng, nhà nghỉ, quán cafe... mà có gắn camera để đảm bảo an ninh, phòng chống tệ nạn xã hội thì chủ nhà hàng, chủ cơ sở kinh doanh đó phải thông báo cho khách hàng biết về việc có gắn camera ở những vị trí này. Nếu khách hàng biết là có gắn camera mà vẫn chấp nhận sử dụng dịch vụ thì trong trường hợp này cũng không vi phạm quyền riêng tư, quyền về hình ảnh....

Đối với gái mại dâm, những người sử dụng ma túy nơi công cộng thì việc chính quyền địa phương gắn camera những nơi công cộng để phát hiện, xử lý những đối tượng này là hoàn toàn hợp pháp và nên triển khai rộng biện pháp này để đấu tranh với những tệ nạn xã hội. Quyền riêng tư, quyền tự do về hình ảnh cũng chỉ được pháp luật ghi nhận, bảo vệ trong khuôn khổ pháp luật. Nếu những người có hành vi vi phạm pháp luật thì việc sử dụng hình ảnh của những người này làm bằng chứng kết tội, xử lý vi phạm hành chính không cần phải có ý kiến của họ, trong trường hợp này lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng được đặt cao hơn lợi ích cá nhân...

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news