Tin mới

Gặp người bắt "thủy quái" Đà giang và "linh vật báo oán"?

Thứ ba, 14/04/2015, 11:11 (GMT+7)

“Thấy động, “thủy quái” khổng lồ vội tìm cách di chuyển xuống vùng nước sâu hơn. Đường đi của nó nổi bong bóng to như cái bát tô. Mọi người liền về nhà lấy xiên, mai để quyết chiến với nó.

“Thấy động, “thủy quái” khổng lồ vội tìm cách di chuyển xuống vùng nước sâu hơn. Đường đi của nó nổi bong bóng to như cái bát tô. Mọi người liền về nhà lấy xiên, mai để quyết chiến với nó.

Khoảng 2h đêm, đuốc được đốt lên sáng cả góc đầm. Mọi người tá hỏa khi phát hiện đầu “thủy quái” to như phích nước, thở phì phò như trâu mộng. Nhiều người toan bỏ chạy…”, đó là ký ức của anh Nguyễn Văn Nở (55 tuổi), trú tại xóm Chăm Mát, xã Dân Chủ, TP. Hòa Bình – một trong sáu thanh niên vạm vỡ tham gia bắt “thủy quái”.

Trận thủy chiến kinh hoàng

Trong lần tham quan bảo tàng tỉnh Hòa Bình, điều làm tôi không thể rời mắt là con ba ba khổng lồ cân nặng tới 121kg, dài 1,53m, rộng 0,8m. Một cán bộ bảo tàng cho biết, “thủy quái” này đã được sáu thanh niên to khỏe ở xóm Chăm Mát, xã Dân Chủ, TP.Hòa Bình bắt được vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi bắt được “thủy quái”, nhiều người trong số họ đã gặp rất nhiều chuyện khó lý giải. Điều đó đã thôi thúc tôi tìm về nơi đã bắt được “thủy quái”, gặp những nhân chứng ngày đó để giải mã tin đồn về việc linh vật báo oán đã tồn tại suốt nhiều thập niên qua.

Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được gia đình anh Nguyễn Văn Nở (55 tuổi), trú tại xóm Chăm Mát. Dù nhiều năm đã qua, nhưng anh không thể quên trận chiến với “thủy quái” khổng lồ ở Đà Giang: “Vào khoảng giữa tháng Tư năm 1993, tôi cùng năm anh em trong xóm đi cắt lau, đước và đắp bờ làm ao, làm thuê. Bỗng nhiên, mọi người nháo nhác nói có một tảng đá lớn lắm, khi giẫm chân lên thì tảng đá biết cựa quậy. Tôi đứng lên kiểm tra thì bị ngã dúi dụi. Thấy động, “tảng đá” vội tìm cách di chuyển xuống vùng nước sâu hơn. Đường đi của nó nổi bong bóng to như cái bát tô”.

Anh Nguyễn Văn Nở kể lại “cuộc chiến” với “thủy quái”.

Lúc “tảng đá” chuyển động, mọi người mới ngã ngửa, đó là con vật khổng lồ giống hình dạng một con ba ba. Quyết không để “thủy quái” chạy thoát, mọi người chia làm hai ngả, một nhóm chạy về nhà lấy xiên, mai đào đất, những người còn lại thì tập trung theo dõi đường đi của “thủy quái”. Khoảng 2h đêm, đuốc được đốt lên sáng cả góc đầm lầy. Mọi người phát hiện đầu “thủy quái” ngoi lên khỏi mặt nước trong đám lục bình to như phích nước, thở phì phò như trâu mộng khiến những người có mặt bỏ chạy tán loạn. Duy chỉ có anh Nở là bình tĩnh, anh liền lấy cào ba răng nhằm đầu “thủy quái” mà bổ xuống. Bị một đòn chí mạng, “thủy quái” lặn xuống rồi bò lên phía con rạch, định theo đường đó để thoát ra sông Đà.

Lúc này mọi người đã lấy lại bình tĩnh, chẳng ai bảo ai liền nhảy cả xuống khu vực “thủy quái” đang di chuyển. Người lấy đinh ba, người dùng cào ba răng, mai xẻng đánh mạnh vào lưng. Vì ở dưới nước nên chẳng biết đầu “thủy quái” hướng nào nên mọi người lặn xuống xác định nơi “thủy quái” nằm để buộc dây.

Trong nhóm có anh Nguyễn Văn Xướng là người ít tuổi nhưng rất bạo dạn. Sau khi lặn xuống xác định vị trí, anh này không may sờ tay vào đúng miệng “thủy quái”. Con vật hung hãn đớp một nhát vào tay, máu chảy lênh láng. Sau khi băng bó tạm thời Xướng được mọi người đưa về để lên trạm xá xã sơ cứu, khâu mất gần chục mũi. “Chắc lúc đó nó no chứ nếu đói, phàm ăn thì có lẽ mất cả cánh tay chứ không phải chỉ cắn ở mu bàn tay cậu Xướng”, anh Nở kể.

Một hồi nằm im dưới đầm sâu, bất ngờ con vật tròi lên mặt nước tìm đường thoát thân. Mọi người thẫn thờ khi chứng kiến chiếc lưng đen xì to như cả cái nong, hình dạng giống như con ba ba. Anh Nở kể: “Đúng là chúng tôi chưa tùng nghe kể có loài vật to đến như vậy chứ nói gì đến chuyện được tận mắt chứng kiến. Người bạo dạn nhưng khi đối mặt với một con ba ba khổng lồ như vậy, miệng phát ra tiếng thở phì phì như trâu mộng cũng cảm thấy lạnh sống lưng, tóc gáy dựng đứng”, anh Nở kể.

Sau phút giật mình sợ hãi, mọi người lại hò nhau bao vây, dùng đòn sóc chặn đường rồi xúm vào nắm lấy chân lặt ngửa lên. “Khi ở dưới nước, con ba ba có sức khỏe phi thường, kể cả trên bờ nó cũng có thể kéo lê bất cứ thứ nào cố ngăn cản lại nhưng khi đã bị lật ngửa lên thì con ba ba trở nên vô hại. Bốn chiếc chân cứ đạp lên không trung mà không sao lật lại được”, anh Nở thuật lại. Lúc này, mọi người dùng dây chão trâu buộc bốn chân con ba ba lại như buộc lợn. Mọi việc hoàn thành thì mặt trời đã ló trên rặng núi phía Đông. Nhóm người hò nhau khiêng lên đường cái nhưng chẳng ai dám đi trước mặt nó. Một người phải cầm theo cán thuổng khi nào “thủy quái” thò đầu ra là đập mạnh để không cắn vào người đi trước.

“Thủy quái” trên 300 năm tuổi

Không có cách nào có thể đưa được con ba ba khổng lồ về, một người nảy ra ý tưởng về thuê xe công nông của gia đình ông Bách trong xóm ra chở. Dù chiếc công nông với trọng tải trên một khối nhưng vẫn không vừa nên phải xếp nghiêng mới chở về được. Ba ba khổng lồ được đưa về xóm Chăm Mát buộc ngay trước cổng nhà ông Bùi Văn Sơn, chủ nhiệm hợp tác xã. Con ông Sơn lúc đó cũng là một trong sáu người tham gia việc vây bắt “thủy quái”.

Đến giờ, ông Sơn vẫn nhớ như in khi kể lại câu chuyện với chúng tôi: “Con vật bắt về chưa lâu thì người dân trong khu vực đều biết. Người về xem tắc cả đường vào xóm. Có người mới nhìn đã gập người khấn vái vì thấy trên đầu con ba ba khổng lồ có hình giống chữ thọ. Trên lưng có hoa văn giống như ở đền phủ nên cho rằng con vật đó là linh vật, là con vua thủy tề. Người này bảo phải mang ra sông Đà thả nếu không muốn bị trừng phạt”.

Chưa biết phải làm thế nào thì chính quyền địa phương xuống can thiệp với ý định thu hồi vì đây là tải sản quốc gia. Việc thu hồi ba ba khổng lồ này cũng phải mất rất nhiều công sức tuyên truyền, vận động. Cuối cùng, họ đi đến thống nhất phương án: các thanh niên được hỗ trợ 10 triệu đồng, còn con ba ba khổng lồ được đưa về nuôi tại một công ty du lịch của tỉnh để phục vụ công tác nghiên cứu và cho người dân tham quan, chiêm ngưỡng với giá vé 200 đồng/người/lượt.

Thế nhưng đang vùng vẫy trong môi trường tự nhiên, khi sống trong môi trường nhân tạo với cái bể quá hẹp, lớp bùn quá mỏng (khoảng 30 cm) nên chân con ba ba cào xuống nền xi măng đã bị loét, nhiễm trùng. Chỉ được vài tháng, con vật khổng lồ bị chết. Sau đó, xác con vật được sử lý và trưng bày tại bảo tàng cho đến tận ngày nay.

“Thủy quái” là ba ba khổng lồ được trưng bày ở bảo tàng tỉnh Hòa Bình.

Đã có khá nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước tìm đến tận nơi tìm hiểu xem loài ba ba khổng lồ này có mối quan hệ họ hàng với loài rùa Hồ Gươm - Hà Nội hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy mối liên quan nào giữa hai loài này. Theo tính toán của các nhà sinh vật học thì con ba ba này có họ với loài rùa nước (tên gọi khác là ba ba, giải, tải...). Nếu tính trung bình mỗi năm ba ba lớn lên được khoảng 0,3kg thì con ba ba khổng lồ này đã sống trên 300 năm.

 

Lời đồn thổi “Thuỷ tề” nổi giận

Chuyện về con ba ba khổng lồ sẽ dần trôi vào quên lãng bởi những thanh niên khi đó cũng đã được hỗ trợ 10 triệu đồng. Người mua vật kỷ niệm, người thì bỏ tiền liên hoan ăn bằng hết vì nghĩ đó là lộc giời… Tuy nhiên, cũng kể từ đó không hiểu vì sao những người này mỗi khi ra đường ai gặp cũng đều tránh xa như sợ một điều gì ghê gớm lắm. Bên cạnh đó là những lời đồn thổi về việc “Thủy tề” sẽ nổi giận trừng phạt vì đã bắt “con” của ngài làm cho mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng. Có gia đình đã phải hoàn số tiền mua đồ lễ với mong muốn thoát khỏi tai ương. Và những sự trùng hợp ngẫu nhiên như có người bỏ đi mất tích, người bị bắt mất vía, rồi có người chết bất đắc kỳ tử được thêu dệt mang đậm màu sắc mê tín dị đoan rằng “linh vật báo oán”.

 

Doãn Kiên



Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: ba ba