Tin mới

Gia đình muốn tổ chức quốc tang cho đại tướng Lê Đức Anh giản dị

Thứ sáu, 26/04/2019, 12:06 (GMT+7)

Theo lời con trai của Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh, gia đình muốn tổ chức một quốc tang giản dị cho đại tướng.

Sáng ngày 26/4, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hà, con trai của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh cho biết, nguyện vọng của gia đình tổ chức quốc tang cho đại tướng Lê Đức Anh giản dị, thời gian tổ chức tang lễ giảm 1 ngày so với quy định về quốc tang.

Theo nguyện vọng của gia đình, tất cả các lễ viếng, truy điệu tại Hà Nội và an táng tại TP.HCM được thực hiện 1 ngày, vào ngày 3/5/2019. Gia đình cũng mong muốn các hoạt động khác diễn ra bình thường, không bị đình trệ.

Chia sẻ về người cha của mình trên Vnexpress trước đó, ông Lê Mạnh Hà cho biết: "Khi còn công tác, mỗi sáng tôi đến chỗ làm, thì khi nghỉ hưu từ năm 2017, mỗi sáng tôi đến bệnh viện với ba. Đây có lẽ là thời gian tôi được ở cạnh ông nhiều nhất. Nhưng cũng thật đáng tiếc lúc ở cạnh ba nhiều nhất thì cũng là lúc ông không còn biết gì nhiều về xung quanh".

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước. Ảnh TNO

Trước đó, theo Tuổi Trẻ, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cho biết:  Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20h10 ngày 22-4-2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, TP Hà Nội.

Được biết, Đại tướng Lê Đức Anh là nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó bí thư Quân ủy trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937, sau đó, từ năm 1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn và Trung đoàn.

Từ 10/1948 đến 1950, ông Lê Đức Anh là Tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Giai đoạn 5 năm sau đó, ông giữ cương vị Tham mưu phó, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Từ 8/1963 đến 2/1964, ông là Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9 (năm 1969).

Tháng 6/1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng, giữ cương vị Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Lê Đức Anh là một trong hai trường hợp đặc biệt được thăng hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Từ 1976 đến 1980, ông Lê Đức Anh trở thành Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Ông được thăng quân hàm thượng tướng năm 1980 và 4 năm sau đó được thăng quân hàm đại tướng.

Từ 1981 đến 1986, ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Từ tháng 2/1987 đến tháng 8/1991, ông là Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng.

Giai đoạn 1992-9/1997, ông giữ cương vị Chủ tịch nước và là Ủy viên cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 12/1997-4/2001. Sau đó, ông chính thức nghỉ hưu.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news