Tin mới

Giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày, đắt ngang khách sạn: Bộ Y tế nói gì?

Thứ hai, 12/08/2019, 21:13 (GMT+7)

Lý giải về mức giá giường bệnh có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày, đại diện Bộ Y tế cho rằng, tăng giá dịch vụ y tế là để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Liên quan đến việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí ngày 12/8 của Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, Thông tư này là hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh chữa bệnh theo nhu cầu của cơ sở y tế công lập chứ không phải quy định mức giá cụ thể.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, giá 4 triệu đồng/giường điều trị dịch vụ/ngày là quá cao, như khách sạn 5 sao, ông Liên cho rằng, so sánh như thế rất khập khiễng, bởi loại giường bệnh này có tiêu chí rất cao. Ảnh minh hoạ

Theo ông Liên, hiện nay nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu này thì đa số người bệnh này sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.

Khác với những người được hưởng Bảo hiểm Y tế, một số nhóm người dân mong muốn được sử dụng dịch vụ cao hơn tại các bệnh viện. Nhiều người có điều kiện luôn đòi hỏi phải có chỗ ăn, chỗ tiếp khách, hộ lý trực 24/24. Chính vì vậy, Thông tư sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế thông tin tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: KTĐT

Cũng theo ông Liên, hiện nay có nhiều bệnh viện tư được đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài. Ở các bệnh viện này, phòng ốc rất đẹp nhưng trình độ của y bác sĩ chưa chắc đã bằng ở bệnh viện công. Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật các bệnh viện tư phải nhờ đến cả thầy thuốc hàng đầu của bệnh viện công.

"Các bác sĩ của Việt Nam rất giỏi thậm chí còn được mời ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nếu xây dựng được khu khám chữa bệnh chất lượng cao thì người dân sẽ không phải ra khám chữa bệnh ở nước ngoài. Như vậy, người bệnh sẽ đỡ được rất nhiều chi phí mà chất lượng thì vẫn được hưởng như ở nước ngoài", ông Liên phân tích.

Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cũng chỉ ra, mỗi năm có 40-50.000 người có điều kiện đi chữa bệnh ở nước ngoài, chi phí hơn 2 tỷ USD.

Hiện nước ta có khoảng hơn 300-500.000 người nước ngoài làm việc ở Việt Nam lương rất cao và cũng tham gia bảo hiểm quốc tế. Nếu có khu vực dịch vụ chất lượng cao, lúc cần khám bệnh thì họ không phải về nước hoặc đi các nước khác, vì vậy, chúng ta còn thu hút ngoại tệ từ các đối tượng này. Đây cũng là mục tiêu Bộ Y tế xây dựng cơ chế Chính sách này.

"Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập. Mục đích của thông tư hướng dẫn ban hành giá là ban hành khung chứ không phải là quy định chi tiết giá", ông Liên lý giải.

Về dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Trong đó, giá dịch vụ giường nằm nội trú tại phòng điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt, có 1 giường/phòng tối đa là 4 triệu đồng. Điều này, đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận, nhiều người cho rằng giường bệnh đắt ngang hàng với khách sạn 5 sao.

Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, hiện nhiều người dân hiểu chưa hiểu đúng về tinh thần của Thông tư này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giường bệnh có giá cao ngất ngưởng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện tận thu.

Theo ông Liên, không phải giường dịch vụ nào cũng sẽ có giá như vậy. Một bệnh viện sẽ phân loại xem bao nhiêu loại giường theo yêu cầu, bao nhiêu phòng 1 giường và bao nhiêu phòng 2 giường. Nếu bệnh viện nào đó ban hành mức giá quá cao thì người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ ở chỗ khác.

Có những loại giường bệnh mức giá 200, 300 ngàn đồng/ngày nhưng cũng sẽ có những giường bệnh giá cao hơn nhiều lần để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. "Tính sơ qua, có thể thấy chi phí vật tư, hóa chất, thuốc men tạm tính cũng phải 700 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra giường bệnh đòi hỏi điều dưỡng phục vụ 24/24 thì cũng phải trả cho họ 400 ngàn đồng/8 tiếng, chưa kể các dịch vụ khác nữa thì cộng lại 1 giường bệnh có giá 4 triệu đồng/ngày cũng là hợp lý", đại diện Bộ Y tế giải thích.

Theo Thông tư mới này, viện phí sẽ điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Trong đó, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, các cơ sở y tế khác tại các TP lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/giường/ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám. Thông tư này dự kiến áp dụng trên toàn quốc từ 1/10/2019.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news