Tin mới

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút

Thứ bảy, 16/06/2018, 08:36 (GMT+7)

Xác ướp gần 4.000 năm tuổi vẫn giữ nguyên mái tóc hung, mũi cao, hàng mi dài quyến rũ.

Xác ướp gần 4.000 năm tuổi vẫn giữ nguyên mái tóc hung, mũi cao, hàng mi dài quyến rũ.

Xác ướp là một "kho kiến thức" tuyệt vời, giúp các nhà nghiên cứu có thêm thông tin và góp phần làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về văn hóa, lối sống, đặc điểm xã hội,... cách đây hàng trăm hoặc thậm chí là nghìn năm.

Trong lịch sử, không riêng gì Ai Cập, rất nhiều quốc gia sở hữu những công nghệ bậc thầy và điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là họ có thể giúp xác ướp tách biệt hoàn toàn với sự phân hủy của môi trường tự nhiên.

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về một vài cách thức ướp xác độc đáo thời cổ đại của những người phụ nữ có thân phận cao quý.

1. Xác ướp công chúa gần 4.000 năm tuổi: Vẫn còn nguyên mái tóc hung, làn da mịn và nụ cười quyến rũ

Năm 2003, ỏ giữa sa mạc Taklamakan hoang vắng (một trong những sa mạc lớn nhất trên thế giới), người ta phát hiện một nghĩa địa có niên đại khoảng năm 2000 TCN. Điều thú vị là vị trí của khu nghĩa địa nằm ở La Bố Lạc, khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), nơi trước kia từng là con đường tơ lụa nổi tiếng trong thời cổ đại.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 1.

Xác ướp mỹ nữ "lai tây" xinh đẹp ở Tân Cương, Trung Quốc khiến các nhà khảo cổ học bất ngờ. Ảnh: Megalithic

Trong số hàng trăm ngôi mộ, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một xác ướp gần 4.000 năm tuổi, có vẻ ngoài hoàn hảo từ làn da mịn, mũi cao, mái tóc hung cho đến hàng mi mắt dày cong vút và nụ cười quyến rũ. Đó là xác ướp "công chúa" Xiaohe.

Vẻ đẹp hiếm có của Xiaohe khiến một số chuyên gia cho rằng đây là một trong số ít nữ xác ướp "quyến rũ" nhất trên Trái Đất.

Tên của nàng "công chúa" xinh đẹp này có lẽ đã bị "phai mờ" theo dấu ấn của thời gian và các chuyên gia gọi nàng là Xiaohe, tên của khu vực chứa di chỉ mộ táng có tới hơn 350 ngôi mộ lớn nhỏ.

Khi trông thấy vẻ đẹp hiếm có của , Victor Mair, giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), cho biết: "Cô ấy thật xinh đẹp. Tôi gọi cô ấy là Marlene Dietrich (nữ diễn viên xinh đẹp, vang bóng một thời của Hollywood) của sa mạc".

Không những có vẻ ngoài xinh đẹp, xác ướp Xiaohe cũng ăn vận trang phục đẹp, đội chiếc mũ đặc biệt cao hình tháp nhọn màu trắng, chân đi một đôi giày lót lông cổ cao.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 2.

Xác ướp Xiaohe hoàn hảo đến nỗi mái tóc, hàng mi, làn da và nhiều đường nét thanh tú trên gương mặt vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Internet

Đặc biệt, dù qua đời gần 4.000 năm nhưng mái tóc hung dài của Xiaohe vẫn còn nguyên vẹn, được thắt bằng dây ruy-băng màu hồng và buông xuống tự nhiên dưới chiếc mũ.

Sở hữu những đường nét gương mặt đẹp và khác biệt so với người châu Á nên nguồn gốc của xác ướp này vẫn còn gây tranh cãi. Một số nhà khoa học phỏng đoán rằng thi hài của "mỹ nhân" này phải di chuyển một quãng đường xa nghìn dặm từ phía tây tới Tân Cương để chôn cất.

Vậy nàng Xiaohe và một số xác ướp khác trong sa mạc này đến từ đâu?

Dựa theo kết quả xét nghiệm DNA và một số manh mối thu được từ các cổ vật, các nhà nghiên cứu cho hay, tổ tiên của họ là sự kết hợp giữa quần thể người Âu-Á. Nàng "công chúa" xinh đẹp có thể đến từ một nơi nào đó ở giữa khu vực Đông Nam châu Âu và dãy núi Ural. Họ đã có thời gian định cư lâu dài trên sa mạc Taklamakan hoang vắng nhưng không hề "tẻ nhạt".

Lý giải về nguyên nhân xác ướp Xiaohe lại hoàn hảo, không hề bị phân hủy sau gần 4.000 năm, các nhà khoa học cho biết có thể là do nhiệt độ, thời tiết quá mức hanh khô, cũng như điều kiện môi trường khắc nghiệt trên sa mạc Taklamakan.

Mặt khác, độ ẩm thấp và mùa đông ở nơi đây thì thường có băng tuyết nên đã giúp xác ướp xinh đẹp này tránh khỏi sự tàn phá, quá trình phân hủy. Chính nhờ điều kiện lý tưởng đã giúp bảo vệ ngay cả những hàng lông mi mỏng manh nhất của Xiaohe.

"Mỹ nhân" này được chôn cất trong một chiếc quan tài làm từ thân cây hồ dương úp vào nhau rất kiên cố và chắc chắn. Điều đặc biệt là quan tài yên nghỉ của nàng không hề có đáy và chỉ được bao bọc bằng một lớp da động vật. Ngoài di cốt nguyên vẹn, các nhà khảo cổ còn phát hiện thấy nhiều cổ vật, trang sức, đồ dùng có giá trị.

Thuật ướp xác độc đáo cùng sự tương hỗ của điều kiện tự nhiên lý tưởng đã góp phần tạo nên xác ướp Xiaohe có chất lượng tuyệt vời và giữ nguyên được vẻ đẹp kiều diễm của cô "công chúa sa mạc" gần 4.000 năm tuổi.

2. Thiếu nữ Inca: Xác ướp hoàn hảo hơn 500 năm tuổi, vẫn còn nguyên vẹn mạch máu, làn da đàn hồi

Vào năm 1999, Tiến sĩ người Mỹ Johan Reinhard và nhóm khảo cổ của ông ngạc nhiên khi bất ngờ tìm thấy xác ướp hiến tế La Doncella hoàn hảo dù trải qua điều kiện băng tuyết suốt hơn 500 năm trên đỉnh núi lửa Llullaillaco thuộc dãy Andes.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 3.

Xác ướp thiếu nữ Inca hoàn hảo, còn nguyên vẹn nội tạng, làn da, thậm chí là quần áo. Ảnh: Internet

La Doncella là thiếu nữ khoảng 13 tuổi, được đưa lên đỉnh núi và trở thành nạn nhân tế thần để đổi lấy sự thịnh vượng, cầu mùa màng thuận lợi của bộ tộc Inca cổ (đế chế huyền bí, có lãnh thổ chạy dọc theo dõi Andes, ngày nay kéo dài từ phía bắc đất nước Argentina đến Peru).

Ngoài cô gái "trinh nữ" La Doncella 13 tuổi, các nhà khoa học cũng tìm thấy hai xác ướp cũng được bảo quản rất tốt, đó là một cậu bé, cô bé chừng 4-5 tuổi.

Nghi thức hiến tế đặc biệt này của người Inca cổ gọi là "capacocha", được tổ chức trong lễ kỷ niệm về sự kiện quan trọng của Hoàng đế Inca. Người dân ở đế chế này tin rằng việc hiến tế những đứa trẻ sẽ giúp họ tránh được các thế lực siêu nhiên.

Công tác chuẩn bị cho nghi thức capacocha không thể trong một sớm một chiều, đôi khi kéo dài hàng tháng trời, kéo dài từ làng này sang làng khác trong đế chế của người Inca.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp và được lựa chọn để trở thành "nạn nhân" tế thần. Ngày xưa, người Inca thường chọn những em bé xinh xắn, ngoan ngoãn nhất, đại diện cho sự trong sáng, hoàn hảo và lương thiện của con người trong số các làng.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những đứa trẻ bị chọn làm người hiến tế có lẽ phải trải qua một chế độ ăn uống đặc biệt trong khoảng thời gian gần hai năm. Các em phải uống rượu chicha, loại rượu nấu từ men ngô và ăn lá coca thường xuyên.

Để tìm hiểu về những khoảnh khắc cuối cùng của những đứa trẻ hiến tế trước khi chết, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mẫu tóc của chúng. Bởi vì tóc mọc với tốc độ tương đối ổn định nên nó có thể cung cấp thông tin về dinh dưỡng của người đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 4.

Các chuyên gia ngạc nhiên về cách thức ướp xác độc đáo của người Inca. Ảnh: Internet

Trong những tháng cuối cùng trước khi chết, thiếu nữ La Doncella dường như đã được đối xử như thành viên hoàng tộc. Kết quả phân tích hóa học từ tóc của cô gái và hai đứa bé trên cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống gồm nhiều thực phẩm dinh dưỡng như ngô và thịt lạc đà, chúng dường như được vỗ béo để chuẩn bị cho "cái chết".

Trước đó. Andrew Wilson, người thực hiện phân tích tóc của xác ướp hơn 500 năm tuổi, nhà nghiên cứu tại Đại học Bradford (Anh) và các cộng sự cho biết, những đứa trẻ được chọn hiến tế có xuất thân từ một gia đình nông dân và thông thường thì chúng chỉ được ăn chủ yếu là các loại rau và khoai tây.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 5.

Xác ướp bé trai trong ngôi mộ băng của La Doncella. Ảnh: Wikipedia

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy hàm lượng lá coca và nồng độ cồn từ rượu chicha mà những đứa trẻ hiến tế tội nghiệp như La Doncella phải uống hàng năm trời.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 6.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, cô gái hiến tế và 2 em bé được chọn tham gia nghi thức capacocha của người Inca, thường xuyên phải ăn lá coca, uống rượu. Ảnh: Dailymail

Những chất kích thích này khiến đầu óc cô gái trẻ luôn trong tình trong say, quên đi nỗi sợ hoảng loạn và dần mất đi ý thức, chết nhanh hơn vì không nhận ra cơ thể mất nhiệt khi bị đưa vào hố băng lạnh buốt ở độ cao gần 7.000 m so với mực nước biển, gần đỉnh núi Volcán Llullaillaco, Argentina.

La Doncella chết trong tư thế khá thoải mái, đầu hơi cúi về phía trước và ngồi bắt chéo chân. Cô gái dường như được đối xử rất khác so với hai đứa trẻ còn lại.

Cô mặc tấm áo choàng xám, có mái tóc tết công phu, đầu đội mũ lông và một số hiện vật dệt may được treo trên đầu gối, cùng một số đồ trang sức làm từ vàng bạc. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy vải vóc và những bình đựng thức ăn.

Nhà nghiên cứu Andrew Wilson nhận định: "Đây là một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất trên thế giới, đặc biệt, máu của họ vẫn có thể được tìm thấy trong tim và phổi thì vẫn căng phồng".

Ngoài ra, làn da của các xác ướp cùng rất đàn hồi. Thi thể của họ được bảo vệ hoàn hảo trong điều kiện băng tuyết. Người ta phỏng đoán có thể chính là kỹ thuật ướp xác tuyệt vời của người Inca.

Giải mã thuật ướp xác thời cổ đại: Gần 4.000 năm vẫn còn nguyên mái tóc, hàng mi cong vút - Ảnh 7.

Những xác ướp hiến tế được chôn cất trên đỉnh núi băng tuyết, cách mặt nước biển gần 7.000 mét. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trên thực tế, những đứa trẻ chết trong tình trạng đông cứng, ướp lạnh và gần như không có tác động từ biện pháp cụ thể nào cả, ngoài trừ cái lạnh thấu xương trong hố băng và tác động tuyệt vời của các điều kiện tự nhiên khác.

Họ trông giống như đang ngủ chứ không phải chết vì trải qua một quá trình hiến tế kinh khủng và đau đớn.

Cô gái La Doncella và hai đứa trẻ có lẽ đã chết từ từ do thân nhiệt bị hạ thấp, cùng tác dụng của lá coca và rượu. Khi khám nghiệm dạ dày của xác ướp hoàn hảo thiếu nữ Inca, người ta còn tìm thấy bột ngô và một vài mảnh lá coca trong miệng. Trước khi chết, cô gái hiến tế được cho là đã mắc phải bệnh lao hoặc viêm phổi mạn tính.

Tiến sĩ Wilson cho biết: "Không có bằng chứng cụ thể về cái chết của những đứa trẻ hiến tế. Chúng có thể qua đời vì nhiệt độ quá lạnh của môi trường sau khi được đặt cơ thể ở vị trí cuối cùng trước khi chết, đồng thời lá coca và rượu làm đẩy nhanh cái chết của họ".

Xác ướp hoàn hảo của La Doncella thực sự khiến các nhà khoa học bất ngờ và thán phục công nghệ ướp xác bậc thầy của người Inca cách đây hơn nửa thiên nhiên kỷ.

Theo Reinhard, những đứa trẻ hiến tế "hy sinh" được người Inca tôn thờ và trở thành "cầu nối" trung gian giữa họ và các vị thần.

Xác ướp thiếu nữ Inca và hai em bé hiến tế đã cung cấp những thông tin rất quý giá về văn hóa, lối sống và phong tục của người Inca vốn nổi tiếng huyền bí cách đây hàng trăm năm.

Tham khảo nguồn: Discovermagazine, Allthatsintersting, Livescience, Naturenewsworld

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news