Tin mới

Số phận buồn ứng với lời tiên tri bí ẩn của Hoa hậu xứ Mường: 3 đời chồng mà chẳng một mụn con, chết trong cô đơn khốn khó

Thứ năm, 04/01/2018, 09:25 (GMT+7)

Giống như Hoa hậu xứ Mường đời đầu, nàng tuyệt sắc giai nhân miền sơn cước này cũng có một cuộc đời trầm bổng, lắm màu hồng nhưng cũng nhiều khổ đau chỉ vì lời tiên tri đa mang, sát phu, giết con vô tình vận vào phần số.

Giống như hoa hậu xứ Mường đời đầu, nàng tuyệt sắc giai nhân miền sơn cước này cũng có một cuộc đời trầm bổng, lắm màu hồng nhưng cũng nhiều khổ đau chỉ vì lời tiên tri đa mang, sát phu, giết con vô tình vận vào phần số.

Những năm tháng đặt ách thống trị tại xứ Mường mà trung tâm là tỉnh Hòa Bình, thực dân Pháp có tổ chức 2 cuộc thi sắc đẹp vô cùng quy mô thời bấy giờ cho những thiếu nữ miền sơn cước tham gia với phần quà thưởng vô cùng hậu hĩ.

Và nếu Quách Thị Tẻo - một hồng nhan có cuộc đời truân chuyên của xứ Mường vô tình đoạt giải nhất cuộc thi này vào lần đầu tiên tổ chức năm 1933, thì gần chục năm sau đó, cuộc thi lần 2 được tổ chức với người may mắn có được danh hiệu cao quý này không ai khác chính là Đinh Thị Nụ. Nhưng giống như vị tiền bối Quách Thị Tẻo của mình, hoa hậu xứ Mường đời 2 Đinh Thị Nụ cũng có một cuộc đời trầm bổng gian nan, nhiều màu hồng, lắm nước mắt.

Cành vàng lá ngọc được sinh ra trong một gia đình quyền thế bậc nhất xứ Mường

Đinh Thị Nụ sinh năm 1925 trong một gia đình quan lang có thế lực gần như là bậc nhất xứ Mường thời đó. Cha của nàng là ông Đinh Công Chung, em trai ruột của Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh, còn mẹ nàng cũng thuộc diện mỹ nhân sơn cước thời điểm đó, là người Kim Bôi, Hòa Bình. Chính vì sinh ra trong một gia đình quyền lực như thế, lại được thừa hưởng nhan sắc muôn phần lộng lẫy từ mẹ nên Đinh Thị Nụ ngay từ khi sinh ra đã là một tiểu thư xinh đẹp tuyệt sắc vang danh núi rừng.

Theo như lời kể lại của những hậu thế của nàng, thì thời son trẻ, Đinh Thị Nụ sở hữu mái tóc dài đen láy, lại bóng bẩy như dòng suối mùa thu, làn da của nàng thì trắng muốt lại mát lạnh như những cánh rừng Tây Bắc vào chớm đông. Đôi mắt nàng cũng long lanh tuyệt đẹp cùng đôi môi hình trái tim có màu mận chín và cặp chân mày lá liễu duyên dáng vô cùng. Vì vậy, năm Đinh Thị Nụ 16 tuổi mà đã có một hàng dài trai tráng trong bản Mường mong muốn một lần được làm quen.

Chưa kể, mỗi khi nàng lội suối tắm, hàng trăm cặp mắt rón rén ngắm nhìn nàng từ xa để có thể thấy làn da của nàng óng ánh dưới dòng suối, ẩn hiện trong lá rừng. Nhưng đáng tiếc cho những cậu trai bản làng đó, dù có khao khát thèm muốn đến cỡ nào cũng không dám làm liều mà ngỏ lời. Ai cũng biết nàng là con gái của một gia đình quyền thế, chắc chắn không dễ với tay mà chạm tới.

Tính tình hoang dại và cuộc đời buồn được báo trước bởi lời tiên đoán cổ xưa

Nhưng trái với vẻ bề ngoài khuê các ngọc nữ của mình, Đinh Thị Nụ lại có một tính tình ngang bướng kỳ lạ như một cậu con trai. Nàng yêu thích sự tự do như bao cô gái Mường bình dân khác. Nàng không ham mê nghe hát, cũng không thèm chưng diện váy vóc như các tiểu thư trâm anh mà chỉ vận những loại áo quần tối màu giản dị.

Chưa hết, Đinh Thị Nụ thời đó còn phá bỏ cái nhìn thẩm mỹ của cả xứ Mường khi ngang nhiên không thèm nhuộm răng đen mà giữ hàm răng đều đặn của mình có màu trắng tự nhiên, trong khi với người Mường khi đó, con gái là phải nhuộm răng mới đẹp.

Đã vậy, nàng còn có sở thích là được cưỡi ngựa vi hành cùng ông bác Tuần phủ Đinh Công Thịnh của mình hoặc âm thầm thâm nhập vào cuộc sống những người dân xứ Mường bình dị. Một điểm đặc biệt làm Đinh Thị Nụ khác biệt, đó là nàng rất ham học, một hai đòi thân phụ cho đến trường huyện 3 năm để học lớp é-lesmantes.

Số phận buồn ứng với lời tiên tri bí ẩn của Hoa hậu xứ Mường: 3 đời chồng mà chẳng một mụn con, chết trong cô đơn khốn khó - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu bà Đinh Thị Nụ.

Vì sự đặc biệt trong tính cách cũng như nhan sắc tuyệt trần của Đinh Thị Nụ, một người họ hàng trong gia tộc Đinh Công rất am hiểu thuật toán số cổ xưa đã "bấm quẻ" tiên đoán cho cuộc đời nàng bằng đôi câu sầu thảm như sau: "Cái Nụ có đôi mắt ướt mà sâu, lại thiếu nét tươi vui, bất kham hoang dại thế này là đại kỵ. Nhẹ thì trải qua vài đời chồng, nặng thì sát phu, khắc con…".

Lời tiên tri ứng vận và cuộc hôn nhân buồn bị quên lãng ở tuổi 12

Một số tài liệu có ghi rằng, Đinh Thị Nụ chỉ có 2 đời chồng sau khi đoạt vị trí Hoa hậu xứ Mường. Một số thông tin khác thì nói rằng nàng đã kết hôn từ rất sớm, khi tuổi đời chỉ vừa tròn 12. Nhưng với bản tính bất kham của nàng, cuộc hôn nhân này nhanh chóng tan vỡ. Sau đó, thân phụ của nàng phải chôn chặt câu chuyện chẳng mấy hay ho có thể ảnh hưởng tới tiếng tăm gia đình này để nó trôi vào quên lãng. Vì vậy ngày nay, thông tin về cuộc hôn nhân đầu của Đinh Thị Nụ rất mờ nhạt.

Chỉ biết, gia đình chồng đầu của Đinh Thị Nụ cũng là một gia đình quyền thế ở xứ Mường. Ngày cưới Nụ vào năm 1937, họ đã phải gánh rất nhiều vàng bạc châu báu đến nhà Nụ để rước nàng về dinh. Sau đó chỉ tầm 1 tháng, với cái tuổi 12 háo thắng liều lĩnh, Đinh Thị Nụ đã trốn gia đình chồng, đi chân trần băng rừng lội suối, đạp đá tai mèo nhọn hoắt đến mức bật máu lòng bàn chân về nhà mẹ đẻ mình. Sau đó, nhà chồng cũng có 5 lần 7 lượt đến nhà Nụ để đòi dâu, đòi vợ nhưng vì quá sợ hãi trước quyền uy của gia đình nàng mà đành lẳng lặng quay về.

Từ đó, cuộc hôn nhân đầu của Đinh Thị Nụ kết thúc nhanh chóng. Thân phụ của nàng cũng vì đau đầu sợ sự tan vỡ này ảnh hưởng danh tiếng gia đình mà giữ kín bí mật này suốt nhiều năm. Đến tận ngày nay mọi chuyện chi tiết thế nào vẫn không ai biết rõ, người biết thì tất cả đều đã quy tiên. Và cuộc tan vỡ này cũng phần nào báo hiệu, lời tiên đoán cổ xưa năm nào đã thực sự vận vào phần số cuộc đời của Đinh Thị Nụ.

Đăng quang Hoa hậu xứ Mường và cuộc hôn nhân đẫm nước mắt với người chồng đại gia

Đến năm 1942, Tri châu Đàm Quang Vinh tới nhà Đinh Thị Nụ chơi, thấy cô con gái rượu của nhà này quá xinh đẹp, nên đã khuyên thân phụ của Đinh Thị Nụ cho nàng đăng ký tham gia cuộc thi Hoa hậu xứ Mường do người Pháp tổ chức. Ngay sau đó, Đinh Thị Nụ được cha mình cho tham gia và may mắn đoạt giải nhất bằng nhan sắc thu phục lòng người của mình. Đạt danh hiệu Hoa hậu xứ Mường, Đinh Thị Nụ ngoài được trao thưởng còn được cho đến Hà Nội thăm thú du lịch.

Tại Hà Nội, nhan sắc hoang dại miền sơn cước của Đinh Thị Nụ đã làm tan chảy biết bao nhiêu trái tim của các công tử đất Hà Thành. Ai ai cũng say đắm trước vẻ đẹp kiều diễm của nàng mà không tiếc lời tán dương hoặc ngỏ ý cầu hôn. Đến đầu năm 1945, có một thương gia người Kẻ Chợ tại phố Hàng Khay đã bỏ ra số tiền khổng lồ đủ để xây mấy căn biệt thự để ngỏ ý cưới nàng về làm vợ. Đinh Thị Nụ đồng ý trước lời cầu hôn này và một đám cưới rình rang náo nhiệt với hàng trăm người tham gia, hàng ngàn người hiếu kỳ đứng xem được diễn ra tại Hà Nội.

Cứ tưởng cuộc đời của Đinh Thị Nụ sẽ màu hồng từ đây, bông hoa núi rừng này rồi sẽ có được một cuộc sống viên mãn giàu có tại đất thủ đô. Nhưng không, cuộc hôn nhân này cũng mau chóng tan vỡ chỉ vì Đinh Thị Nụ suốt bao năm về nhà chồng vẫn không có một mụn con. Lời ra tiếng vào không hay bắt đầu nổi lên khiến Đinh Thị Nụ với bản tính cao ngạo của mình phải bỏ về nhà mẹ đẻ trong hờn tủi không nguôi.

Cuộc hôn nhân thứ 3 và cái chết nghèo khổ, không có một đứa con bên cạnh của Hoa hậu xứ Mường lẫy lừng một thời

Vậy mà cao xanh lại thích trêu đùa mỹ nhân, về nhà mẹ đẻ chẳng bao lâu, những năm 1948 - 1949, Đinh Thị Nụ lại trúng tiếng sét ái tình của ông Ngô Văn Tình trong chính ngôi nhà mình. Khi ấy, ông Tình là người vận chuyển tiền bạc của Ngân hàng Trung ương về Hòa Bình, nên ông xin ở nhờ nhà Tuần phủ (tức nhà Nụ). Sau đó hai người ra vào có chạm mặt vài lần, rồi nảy sinh tình cảm với nhau, mặc cho Đinh Thị Nụ lúc ấy mới 20 tuổi, 2 đời chồng còn ông Ngô Văn Tình thì cũng đã có 1 vợ và 2 con.

Sau đó, mặc kệ mình đã có gia đình, mặc kệ lời xí xào bán tán với cô Hoa hậu sơn cước có phần số tai ương, số sát phu, khắc con, ông Ngô Văn Tình đã ngỏ ý cầu hôn Đinh Thị Nụ và mong muốn đem Nụ về Hà Nội sinh sống với mình. Biết là con gái đã quá lứa lỡ thì (xứ Mường khi đó cho rằng con gái 20 tuổi là quá lứa), lại mang số phận đen đủi nên không dễ gì có người chấp nhận như ông Tình nên gia đình Đinh Thị Nụ đã đồng ý tác hợp.

Tuy nhiên, không rình rang và hoàng hoa như lần đầu, đám cưới lần 3 của Đinh Thị Nụ diễn ra trong âm thầm lặng lẽ. Sau đó Đinh Thị Nụ cùng chồng quay về Hà Nội sinh sống trong một ngôi biệt thự tại phố Hàng Bài, cuộc sống hai vợ chồng phải nói là hạnh phúc, yên ấm, chỉ thiếu tiếng cười nói của những đứa con chung bởi lời nguyền đa mang vẫn chưa buông tha cô Hoa hậu xứ Mường này. Sau gần 30 năm ăn ở với nhau, ông Ngô Văn Tình đột ngột mất sau một cơn bạo bệnh.

Số phận buồn ứng với lời tiên tri bí ẩn của Hoa hậu xứ Mường: 3 đời chồng mà chẳng một mụn con, chết trong cô đơn khốn khó - Ảnh 3.

Di ảnh bà Đinh Thị Nụ trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời buồn.

Bơ vơ lạc lõng bởi chồng không còn, con cái cũng không có, người thân xung quanh cũng chẳng có ai, bà Đinh Thị Nụ quyết định quay lại quê hương Hòa Bình của mình vào cái tuổi đã xế chiều. Lần này trở về, bà suy sụp hẳn, luôn luôn nhớ thương chồng khôn nguôi. Đó cũng là khi chế độ quan lang mất đi, gia tộc lẫy lừng xứ Mường của bà Nụ nhanh chóng rơi vào cảnh khốn cùng nghèo khổ.

Từ đó, bà Nụ phải sống trong cảnh buồn bã cô đơn trước nỗi buồn mất chồng, không con, gia đình suy bại. Bà sống những tháng ngày sau cuối của cuộc đời cùng với sự chăm sóc của những người cháu. Theo lời kể lại, thi thoảng bà ngơ ngác bất giác nhìn ra cửa buông tiếng thở dài rồi hỏi: "Ông Tình đâu?", khiến ai nấy trông thấy cũng xót xa vô cùng trước số phận của một đài các thời xưa cũ. Đến năm 2006, bà Đinh Thị Nụ - Hoa hậu xứ Mường lẫy lừng một thời trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 81 tuổi.

(Nguồn: Sách "Hoa hậu xứ Mường" của Phượng Vũ, xuất bản năm 1984)

Theo Helino/Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news