Tin mới

Giám đốc bệnh viện tự ý trả lại 37 tỉ đồng tiền tài trợ là trái pháp luật?

Thứ tư, 29/06/2016, 19:34 (GMT+7)

Theo luật sư, giám đốc bệnh viện tự ý chuyển trả lại số tiền từ thiện mà không có căn cứ, không được Hội đồng quản trị thông qua là trái pháp luật.

Theo luật sư, giám đốc bệnh viện tự ý chuyển trả lại số tiền Từ thiện mà không có căn cứ, không được Hội đồng quản trị thông qua là trái pháp luật.

Theo thông tin đã đưa trên báo chí, chiều 27/6, UBND Đà Nẵng thông báo kết luận của Đoàn thanh tra liên quan việc quản lý, sử dụng và chuyển số tiền hơn 37 tỷ đồng của Bệnh viện Ung thư (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Hội sở.

Theo đó, bác sĩ Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, bị cáo buộc trong ngày cuối cùng giữ chức giám đốc (31/8/2015) đã cố ý chuyển trả số tiền hơn 37 tỷ đồng mà Liên Việt tài trợ để mua máy DSA phục vụ điều trị bệnh nhân nghèo.

Cho rằng việc ông Trân và bà Phương - nguyên Kế toán trưởng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cố ý ký Lệnh chi chuyển số tiền hơn 37 tỷ đồng cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Hội sở đã làm thiệt hại nguồn kinh phí mua thiết bị y tế của Bệnh viện Ung thư, Đoàn thanh tra nhận xét hành vi này "có dấu hiệu của phạm tội".

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Bệnh viện Ung thư, nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin vụ việc thì Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tài trợ, từ thiện số tiền hơn 37 tỷ đồng cho Bệnh viện ung thư Đà Nẵng để mua máy DSA phục vụ bệnh nhân nghèo. Vì vậy, Bệnh viện ung thư Đà Nẵng có toàn quyền trong việc sử dụng số tiền 37 tỷ đồng nêu trên.

Dưới góc độ pháp lý thì hành động tài trợ, từ thiện nêu trên là quan hệ dân sự, là "hợp đồng tặng cho tài sản" theo quy định tại Điều 465 Bộ luật dân sự năm 2005. Cụ thể như sau: "Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận".

Luật sư Cường dẫn Điều 466 quy định: "Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký". Trong trường hợp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện thì các bên phải tuân thủ điều kiện kèm theo hợp đồng đó, nếu bên nhận tặng cho tài sản không tuân thủ điều kiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản (Điều 470 BLDS). Nếu hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện thì bên nhận tặng cho có quyền sở hữu tài sản (trong đó bao gồm cả quyền định đoạt tài sản) ngay từ thời điểm nhận được tài sản tặng cho, đồng thời bên tặng cho không còn quyền đòi lại tài sản.

Như vậy, có thể thấy là theo quy định pháp luật hiện hành nêu trên thì Bệnh viện ung thư Đà Nẵng có toàn quyền định đoạt, sử dụng đối với số tiền 37 tỷ đồng nêu trên vào mục đích mua sắm thiết bị, khám, chữa bệnh, đồng thời Ngân hàng Liên Việt không còn quyền đòi lại số tiền đó.

Luật sư Cường phân tích, đối với việc trả lại tài sản thì có hai vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất là bên tặng cho tài sản (Ngân hàng Liên Việt) có quyền đòi lại tài sản hay không. Nếu hợp đồng tặng cho, thiện nguyện không có điều kiện hoặc có điều kiện mà Bệnh viện đã thực hiện đúng điều kiện thì Ngân hàng không có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho (Điều 470 BLDS);

Thứ hai là ông Giám đốc Bệnh viện ung thư Đà Nẵng có quyền chuyển trả lại số tiền 37 tỷ đồng đó cho Ngân hàng hay không ? Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, còn quyết định những vấn đề lớn, về tài sản, vốn của doanh nghiệp phải do Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên quyết định. Việc ông giám đốc tự ý chuyển trả lại số tiền từ thiện mà không có căn cứ, không được Hội đồng quản trị thông qua thì việc làm như vậy rõ ràng là trái pháp luật.

Vụ việc trên cần phải được xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc:  Nếu có căn cứ chứng minh ông Giám đốc bệnh viện thực hiện hành vi chuyển trả 37 tỷ đồng cho Ngân hàng Liên Việt có tính chất vụ lợi, có hành vi chiếm đoạt tài sản của Bệnh viện thì hành vi chuyển trả lại tiền của giám đốc trên có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự (BLHS) (nếu việc thực hiện chuyển tiền diễn ra trước khi bệnh viện chuyển sang công lập); hoặc có dấu hiệu của tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS (nếu tài sản đó thuộc quyền sở hữu của nhà nước); hoặc có thể xem xét về Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 BLHS (nếu việc chuyển tiền được thực hiện sau khi bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chuyển sang công lập với tên gọi mới là bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng)” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để xem xét hành vi này có thể xử lý hình sự hay không cần phải căn cứ vào mục đích, động cơ của việc chuyển tiền nêu trên? Chuyển tiền có mục đích vụ lợi không? Có cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế hay không? Sự việc đó gây hệ lụy xấu cho xã hội như thế nào, gây thiệt hại cho bệnh viện ra sao... thì mới có căn cứ để xử lý vụ việc một cách thấu đáo, đúng pháp luật.

“Hi vọng với sự vào cuộc kịp thời, nghiêm túc của cơ quan chức năng thì vụ việc sẽ sớm được làm sáng tỏ và giải quyết đúng pháp luật” – luật sư Cường nói.

Cự Giải (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news