Tin mới

Bản dịch mới bài thơ Nam Quốc Sơn Hà gây tranh cãi: Nhóm chủ biên lên tiếng

Thứ hai, 09/11/2015, 14:51 (GMT+7)

Bản dịch mới của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7 tập 1 gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà biên soạn sách cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Bản dịch mới của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7 tập 1 gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà biên soạn sách cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Như thông tin trên Infonet, Vietnamnet, Thể thao văn hóa đưa tin, trong cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1, của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất hiện bản dịch mới bài thơ Nam Quốc Sơn Hà khiến cho nhiều người bị “sốc”.

Phiên âm của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt là:

“Nam Quốc Sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Theo đó, bản “Tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của nước ta trước đây từng được dịch là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Tuy nhiên, trong cuốn sách Ngữ văn lớp 7 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại sử dụng bản dịch của dịch giả Lê Thước – Nam Trân như sau:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Bản dịch mới trong  sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 của NXB Giáo dục Việt Nam gây nhiều tranh cãi (Ảnh: Thể thao văn hóa)

Những câu thơ ở bản dịch đầu tiên đã trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, và trong bản dịch mới thì 3 câu thơ cuối của bải thơ đã được cải biên khác so với cách dịch trước đó. Vì vậy theo nhiều phụ huynh thì bản dịch này gây ra tình trạng khó đọc, không vần điệu và không hay bằng bản cũ.

Giải thích về vấn những thắc mắc của nhiều phụ huynh học sinh GS Nguyễn Khắc Phi – Tổng Chủ biên cuốn sách cho biết trên Vietnamnet: Ngay nguyên văn chữ Hán của bài thơ cũng có nhiều dị bản; bản nguyên văn trong SGK là bản trên bức tranh sơn mài của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bản nguyên văn này lại có nhiều bản dịch khác nhau và đó là chuyện bình thường.

"Bản dịch trước nghe êm tai nhưng không phải không có những chỗ bất ổn. Để phân tích cái hay cái dở có lẽ phải mất nhiều thời gian, chẳng hạn chữ "định phận" ở bản trước chưa đạt, giữ y như nguyên văn, có thể gây ra hiểu nhầm là số phận đã định đoạt, không thể hay và chuẩn bằng "vằng vặc sách trời chia xứ sở" của bản dịch trong SGK. Ngoài ra, việc hai dịch giả Lê Thước - Nam Trân chuyển từ vần BẰNG trong nguyên văn sang vần TRẮC ở bản dịch không phải là không có dụng ý" – Vietnamnet dẫn lời GS Nguyễn Khắc Phi.

NXB Giáo dục Việt Nam có đưa thêm những bản dịch khác để tham khảo (Ảnh:Vietnamnet)

Đồng ý với ý kiến của Tổng chủ biên cuốn sách GS Trần Đình Sử, thành viên nhóm chủ biên cho biết trên báo Thể thao văn hóa: “-Tôi cho rằng nguyên tác là những câu thơ bằng chữ Hán và hai bản dịch đều hay. Bản vần bằng nghe êm ái còn bản vần trắc rắn rỏi và gân guốc. Mặc dù nguyên tác là vần bằng nhưng xưa nay không ai quy định là bản dịch thơ phải giữ nguyên cách gieo vần của nguyên tác”.

Trên Infonet, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được. Tôi cũng tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn”.

Hạ Vân (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news