Tin mới

Cái khó của giáo viên thời Facebook

Thứ sáu, 13/11/2015, 15:35 (GMT+7)

Từ vụ nữ sinh bị đuổi học do nói xấu cô giáo trên Facebook, nhiều cô giáo đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của cô trò thời đại Facebook.

Từ vụ nữ sinh bị đuổi học do nói xấu cô giáo trên Facebook, nhiều cô giáo đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của cô trò thời đại Facebook.

Vụ nữ sinh ở trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội bị đình chỉ học 10 ngày do "nói xấu" cô giáo trên Facebook đã thu hút được sự chú ý của nhiều người đặc biệt là các giáo viên.

Facebook đang ngày càng trở nên phổ biến với tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Không khó để bắt gặp hình ảnh một số học sinh trong lớp học vẫn tranh thủ lướt facebook hay cập nhật trạng thái ở mọi lúc mọi nơi.

Công nghệ thông tin phát triển giúp cho con người được tiếp cận và kết nối nhiều hơn với thông tin và mọi người. Đó là mặt lợi của nó, còn mặt hạn chế không hẳn ai cũng có thể kể ra.

Vụ nữ sinh bị đuổi học chỉ vì những phát ngôn chưa được "chuẩn mực" trên facebook dẫn đến việc bị đình chỉ học là minh chứng rõ nhất cho mặt hại của việc phát ngôn trên mạng xã hội không đúng lúc, đúng chỗ.

Là những người trực tiếp đứng trên bục giảng dạy học sinh, các thầy cô giáo cho rằng công nghệ thông tin phát triển vừa có những mặt lợi vừa có mặt hại.

Cô giáo Đ.T.P (Trường THPT Mỹ Đức C, Hà Nội) chia sẻ: "Sự phát triển của khoa học công nghệ vừa khiến cho giáo viên có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn."

Theo cô giáo P.: "Thuận lợi là ở chỗ, giáo viên được tiếp cận với các phương pháp dạy học mới có liên quan đến công nghệ thông tin như bài giảng điện tử, E-learning. Có điều kiện thu thập, trao đổi kiến thức chuyên môn; quản lý học sinh (E -school)".

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi do công nghệ thông tin đem lại, người giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn như: " Công nghệ thông tin phát triển mà đặc biệt là Facebook đã ảnh hưởng đến giờ dạy: học sinh lướt facebook, chat chít, nhắn tin, chơi game trong giờ.... Vào mạng Internet cũng là 1 hình thức để học sinh copy bài trong giờ kiểm tra. Thậm chí, trên trang cá nhân, một số học sinh có thể dấu tên mình để phê bình hoặc xúc phạm giáo viên. Vì vậy, việc quản lý học sinh trở nên khó khăn hơn", cô P. chia sẻ.

Là một giáo viên đã từng gặp sự cố trên Facebook do hiểu nhầm giữa phụ huynh học sinh với việc giảng dạy của giáo viên nên cô giáo L.T.P (trường THCS Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh) chia sẻ: "Tôi cũng đã từng gặp một sự cố trên Facebook, đó là khi tôi đăng các dòng trạng thái trên trang cá nhân thì học sinh khi lên lớp thường hay hỏi cô vì sao lại thế, chụp khi nào? Khi ra chơi tôi đã giải đáp các câu hỏi mà học sinh thắc mắc. Thế nhưng phụ huynh đã không hiểu rõ vấn đề nên đã phản ánh với cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng là mình hay nói chuyện Facebook trong giờ học. Sau đó, tôi cũng đã bị Hiệu trưởng gọi lên nhắc nhở nhưng mình đã trình bày và giải thích rõ việc mình làm chỉ là trong giờ ra chơi, cô trò hay nói chuyện cùng nhau."

Từ câu chuyện đã trải qua, cô P. cho biết: "Khó khăn đối với một giáo viên trong thời đại Facebook là ở chỗ, ở lớp có một số chuyện nhỏ, học sinh vui miệng về viết lên Facebook, phụ huynh không hiểu sẽ nghĩ theo kiểu "tam sao thất bản".

Nhận định từ câu chuyện của nữ sinh THPT Lê Lợi, Hà Đông bị đình chỉ học do nói xấu cô giáo trên Facebook, cô giáo V.T.N.Q (Trường Hữu Nghị 80, Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng: "Thực ra cái gì cũng có 2 mặt. Việc học sinh bày tỏ những suy nghĩ của mình trên trang mạng xã hội mình thấy có cái lợi nhiều hơn. Thứ nhất, đây là cơ hội cho giáo viên hiểu học sinh của mình. Là giáo viên chủ nhiệm cũng nên quan tâm đến đời sống tâm tư bên ngoài nhà trường để hiểu về học sinh của mình. Mà cách nhanh nhất là theo dõi trang cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, sau câu chuyện của học sinh trường THPT Lê Lợi, cũng là bài học để cả giáo viên và học sinh cảnh tỉnh chính bản thân mình. Trước khi nói gì, làm gì cần phải suy nghĩ cho kĩ, biết kiềm chế cảm xúc cá nhân, nếu không sẽ có những hậu quả đáng tiếc."

Cô Q. cũng nhấn mạnh rằng Facebook bản chất không có gì xấu. Không chỉ trong ngành giáo dục mà các ngành khác, khi có sơ suất là rất dễ xuất hiện trên Facebook và bị phê phán nhưng trong giáo dục thì rõ hơn. Nhưng điều đó cũng là có lợi vì nó nhắc nhở cho mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc và phải thận trọng trong mọi phát ngôn.

Lê Vy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news