Tin mới

Nhen nhóm lại những ước mơ ở "làng điểm chỉ" vì có người đỗ đại học

Thứ tư, 01/10/2014, 08:39 (GMT+7)

Con đường bê tông chỉ còn trơ đá dăm lổm ngổm khiến quãng đường từ thị trấn Thanh Nê về Cao Bình, xã Hồng Tiến thêm xa. Ngôi làng nổi danh với cái tên: "làng điểm chỉ".

 Con đường bê tông chỉ còn trơ đá dăm lổm ngổm khiến quãng đường từ thị trấn Thanh Nê về Cao Bình, xã Hồng Tiến thêm xa. Ngôi làng nổi danh với cái tên: "làng điểm chỉ".

Tờ đăng ký kết hôn được điểm chỉ của vợ chồng Phạm Văn Năm và Trần Thị Dung

70 năm một làng chài nghèo

Cách trụ ở UBND xã khoảng  5km, thôn Cao Bình được coi như “đứa trẻ con xa mẹ” nhất xã Hồng Tiến. Ngót 70 năm sinh tồn của người dân thôn  Cao Bình trên mạn thuyền. Sông nước dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân làng chài, dù rằng, cuộc sống mà nó mang lại cho người dân chỉ đủ giành giật với bữa ăn hàng ngày.

Những văn minh, tiên tiến, hiện đại có lẽ bắt đầu “hỏi đường” đến cổng làng Cao Bình mà chưa ghé. Khi con tôm, con tép ở hạ lưu sông Gốc này theo thời gian mà ít dần thì người dân Cao Bình phải tỏa đi khắp nơi mong kiếm miếng ăn cho gia đình. Dù đất đã được cấp, nhà đã được xây dựng nhưng chẳng mấy khi họ có mặt ở địa phương, vậy nên đến non nửa những căn nhà cửa khóa then cài.

Nhìn vào những con số thống kế về Cao Bình, không khó để làm một phép tính nhẩm, mỗi gia đình có trung bình khoảng 6 – 7 nhân khẩu. Những đại gia đỉnh ở Cao Bình mấy đời thường chen chúc trên một con thuyền. Công tác kế hoạch hóa dân số là một điềug gì đó quá sức với người dân nơi đây, khi cuộc sống của mỗi gia đình gói gọn trên một con thuyền, nay đây mai đó.

Gia đình Phạm Thị Tuyên (70tuổi) là gia đình đông con nhất Cao Bình  với 13 người con, đến nay bà Tuyên đã có hơn 40 đứa cháu, đông đến nỗi bà cũng chẳng thể nhớ nổi tên tuổi của những đứa cháu nữa. Hiện giờ chỉ còn bà cùng vợ chồng anh con trai út sống cùng trong căn nhà tuềnh toàng với bộ bàn ghế thủng là vật trang trí duy nhất.

Ngôi nhà trên thuyền của người dân làng chài Cao Bình

Chính vì những ngày lênh đênh trên biển của dân làng chài nên đã có không ít những đứa bé cất tiếng khóc trên thuyền. “Đã có không ít những tai nạn khi chị em sinh nở giữa khơi nhưng đến nay may mắn chưa có điều đáng tiếc nào xảy ra”, bà Tuyên chia sẻ. Những đứa trẻ sinh ra lành lặn, không bệnh tật trên là nỗi ám ảnh với cả làng cao Bình. “Chuyện những đứa trẻ trượt chân Đuối nước ở cuối thuyền khi bố mẹ kéo lưới ở đầu thuyền là không hiếm”, và chính bà Tuyên cũng có một người con không may mắn như thế.

Gian nan cho con trẻ “biết mặt chữ”

Biệt danh “làng điểm chỉ” gắn với Cao Bình cũng không phải gần đây mới có. Đã từ lâu những tờ giấy đăng ký kết hôn, những chiếc sổ vay vốn đều hiếm có một chữ ký, một dòng ghi tên họ đầy đủ. Đến những chiếc giấy khai sinh cũng đã mấy đời dấu tay lăn đỏ vì không biết chữ.

Theo ông Đỗ Đức Cảnh (Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến), người dân Cao Bình ở độ tuổi ngoài 30 thì đa số không biết đến mặt chữ. Địa phương đã mở những lớp xóa mù chữ chỉ giúp họ viết được dòng chữ tên mình đã là thành tích cao. Ai ham học “nhiều chữ” cũng chỉ học đến lớp 3, lớp 4 là theo thuyền làm nghề. Thôn Cao Bình là thôn được địa phương được xã Hồng Tiến ưu tiên trong những chuyện giấy tờ sổ sách cũng như đăng ký kết hôn, khai sinh cho trẻ nhỏ.

Ở Cao Bình cuộc sống trên bờ vốn lặng lẽ bao năm, đến nay có lẽ đã náo nhiệt hơn vì tiếng chơi đùa của lũ trẻ mỗi chiều tan học về. 150 cháu trong độ tuổi mầm non, tiểu học là một gánh nặng số lượng trường, lớp với thôn Cao Bình nói riêng và xã Hồng Tiến nói chung, mọi lớp học đều quá tải. Những đứa trẻ may mắn được lên bờ đi học thì cuộc sống hàng ngày xa bố mẹ. Tuy nhiên không ít những “búp măng” đã in hằn tiềm thức sông nước tự do thoải mái, vì thế không ít cháu đã lại bỏ học theo thuyền cùng cha mẹ. Con đường đến trường của những “búp măng” hướng về con chữ cũng không hề dễ dàng. Vậy nên ở Cao Bình, con số các cháu cố gắng bám trụ theo học đến cấp 2, cấp 3 chỉ là con số 16 (hiện chỉ có 1 cháu học THPT), còn lại cứ đến khi chuyển cấp là lại rơi, lại rụng.

Chuyện học khó khăn là thế, vậy nên sự kiện chàng trai Nguyễn Văn Thiêng (SN 1989) đỗ cao đẳng đã như “tin sét đánh” đối với người dân nơi đây. Hiện tại Thiêng đang học năm cuối (hệ Cao Đẳng) của trường ĐH Mỏ - Địa chất. Thiêng là con thứ 10 của ông Nguyễn Văn Lực và bà Nguyễn Thị Quế (bà Quế là người vợ thứ hai của ông Lực). Trong ký ức của Thiêng, những ngày tháng tuổi thơ gắn bó với mạn thuyền, là những tháng ngày lênh đênh sông nước. Chiếc thuyền nhỏ chật chội là phương tiện duy nhất để kiếm sống và cũng là nơi sớm che nắng, che mưa của cả gia đình anh Thiêng bồi hồi nhớ lại: “Khi ấy mình đã phải cùng bố mẹ các anh chị mình vật lộn giữa biển khơi, để kiếm từng bữa cơm lo cho gia đình”.

Mãi đến năm 1999, khi đó Thiêng đã 11 tuổi, bố mẹ anh mới dành dụm được ít tiền mua được mảnh đất để cất nhà. Đến lúc này chuyện học hành của Thiêng mới được bố mẹ tính đến, Thiêng chia sẻ: “Tuy học muộn 4 năm, nhưng đối với tôi được đi học đã là may mắn rồi, khi những đứa trẻ khác trong làng không có điều kiện học hành, còn tôi thì được cắp sách tới trường”.

Hình ảnh cậu bé Thiêng ngày ngày với chiếc xe đạp cà tàng lóc cóc miệt mài đạp xe lên trường, không quản nắng mưa đã in sâu vào tâm trí nhiều người dân làng chài… Mỗi năm qua đi, Thiêng lại “lập kỷ lục” trong bảng vàng của Cao Bình, tốt nghiệp cấp 2, học hết lớp 10, 11, rồi lớp 12. Không nhiều người ở Cao Bình nghĩ Thiêng làm được kỳ tích như vậy. Sau khi là người đầu tiên đỗ tốt nghiệp THPT (kỳ thi năm 2012), Thiêng mạnh dạn đăng ký dự thi vào Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.

Tuy nhiên, con đường để đến được với cánh cổng trường đại học với Thiêng không phải dễ dàng. Lên Hà Nội học, Thiêng đi làm thêm  nhiều nghề như phụ hồ, dạy gia sư, bồi bàn… để trang trải chi phí học hành. Công việc tuy có đôi lúc làm cậu mệt mỏi, nhưng Thiêng chưa bao giờ lơ đi chuyện học hành của mình, mặc dù chỉ ở mức học trung bình khá, nhưng với người ở “làng điểm chỉ” thì đó cũng là cả một ký tích.

Rời Cao Bình trong ánh hoàng hôn chiều muộn, tạm biệt Thiêng khi đến giờ chàng trai làng chài lên giảng đường, chỉ mong sao cho “cơn mưa rào” mang tên Nguyễn Văn Thiêng ấy không chỉ “giải khát” mà còn là khởi đầu cho những ước mơ khác nữa cho lũ trẻ ở Cao Bình. Để cái tên “làng điểm chỉ” là một điều gì đó trong quá khứ.

Nguồn Thiện Nhân - Huy Ba (Câu chuyện pháp luật)
Video bạn có thể quan tâm: 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news