Tin mới

Phòng GD-ĐT lên tiếng vụ 200 giáo viên Hưng Yên sắp thất nghiệp

Thứ ba, 15/09/2015, 15:44 (GMT+7)

“Trong sự việc này, chúng tôi biết là không được phân biệt bằng cấp, nhưng trong hoàn cảnh số biên chế có hạn thì chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những người có bằng chính quy. Họ là những người giỏi, nên họ có cơ hội vào biên chế nhà nước", Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi cho hay.

“Trong sự việc này, chúng tôi biết là không được phân biệt bằng cấp, nhưng trong hoàn cảnh số biên chế có hạn thì chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những người có bằng chính quy. Họ là những người giỏi, nên họ có cơ hội vào biên chế nhà nước", Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi cho hay.

Trước sự việc gần 200 giáo viên tiểu học đang “lo ngay ngáy” vì sắp thất nghiệp, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi. Nói về vụ việc này, ông Ty cho biết: “Trong sự việc này, chúng tôi biết là không được phân biệt bằng cấp, nhưng trong hoàn cảnh số biên chế có hạn thì chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những người có bằng chính quy. Họ là những người giỏi, nên họ có cơ hội vào biên chế nhà nước.

Trước đây, những giáo viên này ký hợp đồng với nhà trường, đó là hợp đồng tự nguyện và sự thỏa thuận giữa trường với giáo viên, phòng GD&ĐTkhông quản lí về vấn đề này”.

Bàn về việc phòng GD& ĐT nói không với bằng tại chức, ông Ty cho biết thêm: “Trước đây, môn học tiếng Anh là môn tự chọn nên những giáo viên này chỉ ký hợp đồng với trường. Tiền lương của giáo viên là do phụ huynh trả, họ không thuộc đối tượng trả lương theo ngân sách. Vậy nên chúng tôi không quan tâm đến vấn đề này. Phòng giáo dục chúng tôi chỉ quản lý về nhân sự cũng như chất lượng giáo viên”.

Ông Trương Văn Ty, trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi đang làm việc với PV. Ảnh: Thế Anh

Ông Ty khẳng định: “Đối với giáo viên tiếng Anh, những người được đào tạo chính quy thì chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn rất nhiều so với những người có bằng tại chức. Nếu để lựa chọn thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ chọn những giáo viên có bằng chính quy, đó là điều đương nhiên. Vấn đề này không chỉ tỉnh Hưng Yên làm mà rất nhiều tỉnh khác đã làm như vậy”.

"Phải tự định hướng cho mình"!

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc theo quy định của pháp luật thì mọi bằng cấp đều có giá trị ngang nhau, liệu phòng GD &ĐT thực hiện như vậy có vi phạm pháp luật, ông Ty khẳng định, việc này là do lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xuống, bản thân ông chỉ biết thực hiện theo. “Chúng tôi cũng rất mong muốn tạo điều kiện cho những giáo viên này được vào biên chế, tuy nhiên, cấp trên đã ra quy định như vậy, chúng tôi cũng không thể làm khác được" - ông Ty nói.

Đối với việc tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ cho hơn 200 giáo viên này sau khi không được giảng dạy, ông Ty cho biết: “Chúng tôi cũng đã có một số biện pháp hỗ trợ đối với những giáo viên này.

Đối với những trường hợp có bằng cao đẳng, sau này đi học lấy chứng chỉ một số tháng để chuyển sang làm việc bên thư viện, thiết bị trường học, đó là con số nhất định. Số còn lại, họ phải tự định hướng cho mình”...

Trước đó, ngày 08/6/215, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành kế hoạch số 111/KH-UBND về kế hoạch thi tuyển công chức tỉnh Hưng Yên năm 2015. UBND tỉnh thông báo tuyển dụng công chức phải là người được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, UBND tỉnh Hưng Yên đưa ra quyết định trên. Sau khi kế hoạch vừa được ban hành thì gần 200 giáo viên tiểu học môn tiếng Anh “khóc dở mếu dở” vì bỗng chốc mình phải nghỉ dậy vì đang sở hữu tấm bằng tại chức.

Những giáo viên sắp “thất nghiệp” này đều là những giáo viên có thâm niên 10-15 năm trong nghề, nay vì chỉ có bằng tại chức, họ có nguy cơ bị sa thải trong khi pháp luật quy định, mọi bằng cấp đều có giá trị ngang nhau.

Báo Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Cù Hiền- Thế Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news