Tin mới

Giữa Hà Nội, người dân phải đi vệ sinh vào... túi bóng

Thứ ba, 10/03/2015, 14:39 (GMT+7)

Cả khu nhà 146 với 60 nhân khẩu chỉ có 1 nhà vệ sinh chung, do vậy, từ khi cống thoát nước bị bịt, người dân tại đây phải đi vệ sinh bằng túi bóng sau đó mang ra đường Quán Thánh bỏ vào thùng rác.

Cả khu nhà 146 với 60 nhân khẩu chỉ có 1 nhà vệ sinh chung, do vậy, từ khi cống thoát nước bị bịt, người dân tại đây phải đi vệ sinh bằng túi bóng sau đó mang ra đường Quán Thánh bỏ vào thùng rác.


 

Đó là lời kể của bà Trần Thị Oanh (người dân tại biệt thự 146, Quán Thánh) về tình trạng sống chung với nước cống thối của 60 nhân khẩu, cùng trú tại căn biệt thự cổ (từ thời Pháp).

Bỗng dưng nước cống ngập khắp sân, tràn vào nhà

Đứng trên lối đi chênh vênh được kê bằng gạch chỉ, để chặn làn nước đen ngòm tuôn ra từ cống nước thải. Ông Lê Bá Hùng (68 tuổi, trú tại 146, Quán Thánh) bức xúc: “Tôi sống ở đây đã gần 60 năm (từ 1958). Khu nhà biệt thự 146 Quán Thánh được xây dựng từ thời Pháp (đứng tên ông Đặng Đình Hồng và bà Trần Thị Quy), là nơi sinh sống của 12 hộ dân với gần 60 nhân khẩu. Dù căn biệt thự có tuổi đời gần một thế ký, thế nhưng hiện trạng còn rất tốt, hệ thống thoát nữa mấy chục năm qua vẫn hoạt động tốt, không bao giờ xảy ra tình trạng tắc. Mặc dù, căn nhà chỉ có một đường cống chạy từ sân chung rồi đi dưới nền nhà của 3 gia đình để đổ vào cống ngầm của thành phố (nằm ở phố Đặng Dung)”.

Người dân khu nhà đi lại khó khăn.

Chỉ tay về phía vũng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối ngay dưới chân, ông Hùng nhớ như in: “Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 26/7/2013, mọi người trong khu nhà bị đánh thức bởi mùi hôi thối nồng nặc. Mở cửa ra ngoài, chúng tôi phát hiện làn nước đen ngòm chảy ra sân chung.

Khoảng một giờ sau, khuôn viên với diện tích hơn 300m2 bỗng chốc bị ngập đen kịt màu nước cống. Mùi hôi thối bốc lên không thể nào chịu nổi. Người lớn thì lấy khẩu trang bịt lại. Trẻ em thì được bế ra ngoài”.

Đi vệ sinh bằng túi bóng

Những hộ dân tại đây cho biết, để khắc phục, họ thuê máy bơm để thoát nước thải. Sau đó, thuê thợ đến thông cống.

Ông Nguyễn Đình Tuấn (51 tuổi, sống tại khu nhà) kể, ngay ngày hôm sau, nước lại tiếp tục tràn ra, lần này còn nhiều hơn lần trước. Có lần trời mưa, nước cống dâng cao hơn nửa mét, tràn cả vào nhà khiến cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, người dân phải tự bỏ kinh phí, mua gạch, ván, bao tải cát… về để chặn nước cống không xâm nhập vào nhà. Đồng thời, tự tạo những chiếc cầu để đi lại vì nước thải đen ngòm, bẩn thỉu đã ngập toàn bộ khu sân chung.

“Những ngày mưa lớn, nước cống dâng lên, cuộc sống của 60 người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Trước có sân chơi tập thể rộng rãi, nay thì không còn. Đó là chưa kể đến không biết bao nhiêu lần trẻ em, người già đi qua trượt chân ngã tùm xuống dòng nước hôi thối. Vì nước cống bẩn, ruồi muỗi, côn trùng, vi khuẩn, dịch bệnh phát triển rất nhanh. Nhiều khi đưa bát cơm lên miệng, mùi hôi thối xộc vào, khiến nhiều người nôn mửa, bữa cơm gia đình vì thế mà mất ngon…”, bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi, người già nhất khu nhà) cho biết.

Dẫn PV ra góc sân, bà Tư chỉ vào mấy vòi nước máy cáu bẩn vì nước thải dâng lên, đóng cặn. Bà cho biết, đó là vòi nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, gần 2 năm nay chẳng ai dám dùng nước từ những vòi này vì sợ ô nhiễm. Đến dùng để rửa tay chân mọi người cũng không dám dùng.

So với những hộ trong khu nhà 146, nhà bà Trần Thị Oanh nằm ở vị trí thấp nhất, thường xuyên bị nước thải tràn vào nhà. Kể lại sự việc với PV mà bà Oanh như trực trào nước mắt: “Dòng nước đen kịt này là nước thải của các hộ dân, nước bể phốt nhà vệ sinh. Từ ngày cống tắc, nhà tôi phải đi vệ sinh vào túi nilon rồi ra đường Quán Thánh vứt”.

“Chẳng còn cách nào khác, cậu ạ”, bà Oanh thở dài.

Ông Lê Bá Hùng (70 tuổi), một người dân sinh sống tại đây cũng đã lâu, chỉ cho chúng tôi xem khu vệ sinh chung đã bị nước cống ngập vào, ông cho biết, theo thiết kế, các căn trong khu nhà cổ không có nhà tắm, các hộ phải sử dụng đến nhà vệ sinh chung. Tuy nhiên, do nước cống dềnh, khu vệ sinh chung cũng không thể sử dụng, người dân phải “xử lý” một cách tạm bợ, khổ sở.

“Gần 2 năm qua, phải sống trong cảnh khốn khổ hơn địa ngục thế này sức khỏe người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi thường xuyên ốm đau, tay chân ghẻ lở…”, ông Hùng bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, cả khuôn viên rộng trước nhà 146 Quán Thánh hiện nay vẫn bị nước cống bao phủ, bốc mùi hôi thối. Mực nước đo được chỗ sâu nhất 35 – 40cm, chỗ thấp 20cm. Rồi muỗi bu đầy những góc tối, dòi bọ, loăng quăng… nhung nhúc dưới nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo người dân là do cống thoát nước từ nhà 146 Quán Thánh ra phố Đặng Dung, đoạn qua nhà ông Nguyễn Xuân Minh (số 5 Đặng Dung) có dấu hiệu bị chặn lại. Những hộ dân nơi đây đã gửi hàng chục lá đơn đến nhiều cấp. Chính quyền địa phương cũng đã xuống hiện trường giải quyết. Tuy nhiên, anh Minh không hợp tác dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Chính quyền bó tay?

Trao đổi với phóng viên về hướng giải quyết đối với tình trạng nước thải dồn ứ, đẩy hơn 60 người dân vào cảnh “khóc dở mếu dở”, ông Bùi Thanh Xuân, Phó chủ tịch UBND phường Quán Thánh cho biết: Sự việc xảy ra là có thật. Ngay khi có phản ánh, chính quyền phường đã xuống xem xét thực tế và gấp rút xử lý. Tuy nhiên, khi vào cuộc thì gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đường cống thoát nước cho khu nhà 146 chạy qua sân chung rồi đi dưới nền nhà của 3 hộ gia đình.

Cũng theo ông Xuân, theo như người dân phản ánh thì hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Minh (số 5 phố Đặng Dung) đã lấp cống gây lên tình trạng này. Chính quyền đã nhiều lần gửi giấy mời ông Minh đến gặp mặt với người dân ở 146 Quán Thánh để tìm hướng giải quyết nhưng đều vắng mặt. Nhiều lần chính quyền xuống làm việc trực tiếp, nhưng gia đình ông Minh không hợp tác.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân và báo cáo của UBND phường Quán Thánh, UBND quận đã ra nhiều văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng trên. Không chỉ cắt cử riêng một phó chủ tịch quận phụ trách vấn đề phát sinh tại số nhà 146 Quán Thánh mà đích thân tôi cũng đã xuống xem xét thực tế nhiều lần. Tuy nhiên, tình hình hết sức căng thẳng, phức tạp vì không nhận được sự hợp tác, cũng như bị hộ gia đình số 5 phố Đặng Dung phản ứng quyết liệt.

Theo chia sẻ của lãnh đạo quận Ba Đình, khu nhà 146 Quán Thánh được xây dựng từ thời Pháp. Do đó, thông tin về hạ tầng của công trình này hoàn toàn không có. Hiện, UBND quận đã giao các phòng, ban chuyên môn khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật cũng như tham vấn các đơn vị có chức năng để làm rõ hơn thông tin về hạ tầng, trong đó có vị trí và đường đi của hệ thống dẫn thải.

“Bên cạnh việc giao cho UBND dân phường Quán Thánh phải thường xuyên thực hiện việc bơm hút nước, tránh úng ngập; phun thuốc tiêu trùng khử độc, quận Ba Đình đang tiến hành các phần việc để có thể đưa ra một giải pháp sớm nhất nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân”, ông Đỗ Viết Bình khẳng định.

Ông Hùng bức xúc kể lại sự việc.


Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news