Tin mới

Góc khuất bi ai của lao động Việt bỏ tiền đi làm chui ở Trung Quốc

Thứ hai, 22/12/2014, 14:18 (GMT+7)

 Hậu quả của những lao động chui ra nước ngoài làm việc nhiều người hiểu rất rõ là bất hợp pháp. Thực tế lao động chui chết do tai nạn không được bồi thường; bị bệnh tật, đau ốm hay thương tích dẫn đến tật nguyền đều phải tự ngậm đắng nuốt cay... Thế nhưng, chẳng hiểu sao, người lao động ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang..., thậm chí ở thành phố như Hải Phòng cũng bị “dính tai nạn” tự chi tiền để được đi làm chui.

 Hậu quả của những lao động chui ra nước ngoài làm việc nhiều người hiểu rất rõ là bất hợp pháp. Thực tế lao động chui chết do tai nạn không được bồi thường; bị bệnh tật, đau ốm hay thương tích dẫn đến tật nguyền đều phải tự ngậm đắng nuốt cay... Thế nhưng, chẳng hiểu sao, người lao động ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang..., thậm chí ở thành phố như Hải Phòng cũng bị “dính tai nạn” tự chi tiền để được đi làm chui.

 

Khôi hài thật sự khi mà các nhà thầu Trung Quốc thi nhau đưa lao động phổ thông sang Việt Nam làm việc, trong khi đó, lao động Việt Nam thì lại phải bỏ tiền “bôi trơn” để được đi Trung Quốc làm việc chui. Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ đâu và như thế nào? Những người tự nguyện chi tiền để được đi lao động chui ấy tâm sự đắng lòng ra sao? Có đường dây môi giới lao động chui nào đã bị bắt?

Trường hợp của chị H. ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, trở về nhà sau 8 tháng dài dằng dặc lao động chui ở Trung Quốc với thân tàn ma dại là một ví dụ. Chồng chị bảo: “Vẹn nguyên trở về được là tốt lắm rồi!”. Người chồng lầm lì, ít nói, mang tiếng cục tính mà thốt lên được câu nói đó với vợ đủ thấy sự bi ai của những số phận đi lao động chui ở Trung Quốc.

Chi tiền để được đi lao động... chui

Chị H. sinh ra ở miền núi, là người dân tộc thiểu số. Vì biết tiếng Trung nên việc chị H. muốn đi lao động ở Trung Quốc cũng không có gì là lạ. Thế nhưng, tự nhiên, chị không thể đi được mà phải có người dẫn mối.

Chị H. tâm sự: “Nhà có hai quả đồi, ba con trâu. Đồi toàn trồng vải nên công việc chỉ bận rộn vào mùa thu hoạch và sau vụ cấy đông xuân – chăm bón cho cây vải mất khoảng 20 ngày. Ngoài trồng vải, cấy lúa ra, gia đình tôi không còn nghề phụ khác. Bởi thế, những ngày nông nhàn, tôi muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ba đứa trẻ vừa đi học, vừa phụ giúp cha việc nhà, đồng áng nên tôi phải kiếm việc để có thêm thu nhập. áp lực con học hành, tiền bạc lớn nên tôi phải tìm việc làm bằng mọi giá. Ở quê tôi, rất nhiều người đi lao động nước ngoài hợp pháp. Tôi cũng định đi Đài Loan nhưng chồng không đồng ý nên đành phải đi lao động chui ở Trung Quốc”.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị H. có tiền sử bệnh tim và dạ dày. Vì thế, chị H. muốn xuất khẩu lao động sang Đài Loan cũng không được. Chị H. nghe theo người giới thiệu, thực chất là môi giới, “cò mồi”, nên tự nguyện bỏ ra hơn 5 triệu đồng để được sang Trung Quốc làm việc chui với mức lương 900 - 1.000 NDT/tháng, tức hơn 30 NDT/ngày (1 NDT quy đổi ra tiền Việt bằng gần 3.380 đồng) trừ tiền ăn, ở, sinh hoạt. Như vậy, một tháng làm việc cật lực, người lao động được từ 3,2 đến gần 3,4 triệu đồng, nhiều nhặn gì mà phải chi tiền môi giới để được làm việc chui.

Thấy chúng tôi nghi ngờ với mức thu nhập quá thấp để có thể đánh đổi thời gian, sức lực, tiền bạc và nỗi nhớ nhà, chị H. ngậm ngùi kể: “Đi làm thế này, muốn về lúc nào cũng được, không phải thực hiện những thủ tục rắc rối, không phải vay ngân hàng, ai có tiền thì đi, chẳng tốt hơn sao. Làm việc một tháng, trừ chi phí rồi được trả thù lao 3,5 triệu đồng là tốt rồi. Chúng tôi làm đồi, vườn, chăn nuôi, cấy lúa, vài tháng mới để dành được bằng một tháng đi lao động chui đấy!”.

Chị H. ở thời điểm hiện tại.

Chưa đổi đời đã chuốc họa

“Sao chị về được? Giờ sức khoẻ như thế nào?”, chúng tôi hỏi. Chị H. cho hay: Chị biết tiếng, kêu ốm đau, đòi tiền lương, họ không dám giữ người, đánh đập. Thế nhưng, họ (chủ người Trung Quốc) không trả lương 8 tháng chị đã làm. Ông chủ gọi người môi giới đến, bắt đưa chị đi nơi khác để tránh phiền phức. Vì thế, chị về được nhưng coi như đi lao động khổ sai 8 tháng và mất tiền đặt cọc.

“Hiện giờ, tôi mắc thêm cả bệnh thận nữa. Vì thời gian làm việc chui ở Trung Quốc, bị quản lý về giờ giấc, đi tiểu cũng phải theo giờ, đi nhiều, bị chủ phạt”. “Sao chị không đòi tiền người môi giới? Chị biết họ à?”, chúng tôi tò mò. Chị H. phân trần, người giới thiệu cho chị đi làm ở Trung Quốc là người quen. Anh ta nói rằng, anh ta bị chủ Trung Quốc phạt vì chị làm chưa hết hợp đồng nên không có tiền trả?!

Chúng tôi hỏi: “Có nhiều người bị lừa như chị không? “Cò mồi” thường nhận từ người lao động bao nhiêu tiền?”. Chị H. nói: “Mỗi người, người môi giới thu một giá. Thế nhưng, số tiền không thể dưới 6 triệu đồng/người. Ở khu vực xã Vô Tranh và một số xã lân cận, rất nhiều người đi Trung Quốc làm việc chui, sau đó phải trốn về và không được đồng tiền công nào. Đưa tiền cho người môi giới, không có giấy tờ nên chẳng thể đòi. Bọn người này cũng rất xảo quyệt. Chúng trắng trợn nói rằng, tại chúng tôi không làm đúng thời gian hợp đồng, nên bị chủ phạt là đúng. Giữa người lao động, môi giới, chủ, chẳng ký tá gì, lấy đâu ra hợp đồng? Chúng cứ nói thế để biện minh cho việc quỵt tiền, bóc lột sức lao động của người lao động. Mà, có ký hợp đồng, cũng chẳng ai làm được đủ thời gian, vì lao động như khổ sai ấy. Đã thế, điều kiện ăn uống, ở, sinh hoạt lại rất tồi”.

Theo chị H., ngày nắng cũng như mưa, lạnh cũng như nóng, người lao động làm việc từ ít nhất là 11 tiếng đến 14 tiếng/ngày. Họ phải làm việc trong các điều kiện rất khắc nghiệt, không bảo hộ lao động. Khu làm việc cách xa khu dân cư, trung tâm. Nó biệt lập chẳng khác gì nhà tù. Người lao động chỉ làm và làm. Chị H. được bố trí làm ở một khu sản xuất gạch thủ công. Người lao động phải đóng khuôn gạch, làm đất, vào lò, ra lò quần quật cả ngày. Họ chỉ nhìn thấy những chiếc xe ô tô ra vào chở gạch thành phẩm đi.

Vì có tí quen biết và nói được tiếng Trung nên chị H. được bố trí làm việc nhẹ hơn. Đến giờ được đi lấy đồ ăn, nước uống cho công nhân. Chỗ chị H. làm việc có khoảng gần 200 người nhưng chỉ có 3 người quản lý. Họ đứng ở trên chòi quan sát. Những người quản lý này rất vô văn hoá. Họ chửi bới bất kỳ người lao động nào. Thậm chí, đứng trên chòi, họ đi tiểu xuống, nhiều lúc nước tiểu rơi trúng đầu, mặt người lao động mà cũng chẳng dám đi thay đồ.

Chúng tôi hỏi: “Khổ thế, sao không nhờ người quen chuyển chỗ khác làm? Sao không về sớm?”. Chị H. phân trần: “Tôi chỉ thoả thuận với họ làm 6 tháng thì về. Hết 6 tháng, chủ bảo làm tiếp, sẽ trả lương cao hơn. Hơn nữa, đòi tiền để về, lúc nào chủ cũng bảo chưa có, đợi bán hàng đã... Tôi cứ cố để lấy một khoản, bù đắp lại số tiền đã đưa cho người quen môi giới. Không ngờ, mình lại bị lừa. Càng về sau, tôi càng bị người quản lý “bắt lỗi”. Họ phạt các kiểu để cho rằng, tôi vi phạm và không trả tiền công”.

“Chị có biết, số tiền 7 triệu đồng mà người quen cầm, bảo để xin việc cho chị, chi vào những khoản gì không?”, chúng tôi tò mò. Chị H. nhớ lại: “Đưa cho người quen 7 triệu đồng được hai ngày thì đi. Trên đường đi và tiền xe cộ, ăn ở thời gian đó, người quen chi hết. Đi đường tiểu ngạch sang đến đất Trung Quốc, tôi và người quen còn đi sâu vào nội địa hơn một ngày trời. Thời tiết ở đó rất lạnh, lạnh hơn ở miền núi quê tôi. Chúng tôi dừng lại ở một quán nước ven đường, có người bản địa đến nói chuyện. Lúc sau, tôi thấy hai người đưa, trả, cho nhau NDT nhưng tôi không biết là bao nhiêu. Nghỉ ngơi một ngày một đêm, sau đó, tôi bắt đầu làm việc”.


Bài học cảnh tỉnh

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình trạng người lao động ở khu vực biên giới, các tỉnh cận biên, có thói quen sang Trung Quốc làm việc chui đã có từ lâu. Trước đó, người dân sang lao động được trả tiền công, được nuôi ăn đàng hoàng. Tình trạng bỏ đói, quỵt tiền công, thậm chí đánh đập, lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục thì mới diễn ra vài năm gần đây. Dù đã được cảnh báo, thế nhưng, vì nghe theo lời dụ dỗ, tin tưởng người quen như niềm tin của chị H. mà nhiều người lao động đã ngậm đắng nuốt cay, mất tiền, bị bóc lột sức lao động, về được đến nhà thì sức khoẻ giảm sút; có người còn thân tàn ma dại.

Nhóm PV/ Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news