Tin mới

GS Phạm Minh Hạc: 207 ngành bị dừng tuyển sinh vẫn còn… quá ít

Thứ sáu, 21/02/2014, 11:52 (GMT+7)

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng, dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học của 71 trường ĐH là vẫn còn là quá ít so với con số thực cần phải 'giải tán'

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng, dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học của 71 trường ĐH là vẫn còn là quá ít so với con số thực cần phải 'giải tán'

Một động thái tích cực

- Thưa GS Phạm Minh Hạc, ông đánh giá như thế nào về quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành tại 71 cơ sở đào tạo đại học của Bộ GD- ĐT?

- Đây là một động thái rất tích cực từ Bộ GD-ĐT. Tôi rất hoan nghênh các hướng dẫn, chỉ thị của Bô GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian vừa qua. Đây cũng là tinh thần của nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.

Giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khâu then chốt để tạo ra bước đột phá trong giáo dục. Muốn đào tạo có chất lượng thì phải có điều kiện đầu vào tốt, các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cũng phải tốt nhất. Đội ngũ giảng viên được xem là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định chất lượng đào tạo.

GS Phạm Minh Hạc: 207 ngành bị dừng tuyển sinh vẫn còn… quá ít

GS Phạm Minh Hạc

Việc các ngành đào tạo đại học không đáp ứng được hoặc đáp ứng đủ điều kiện tiên quyết đó, là thực trạng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay. Vì vậy, nguyên nhân các trường không đáp ứng đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình đào tạo buộc Bộ GD-ĐT phải cho dừng tuyển sinh là hợp lý.

- Liệu chỉ căn cứ vào đội ngũ giảng viên cơ hữu để đánh giá về “năng lực thực”, triển vọng thực của các ngành đào tạo này thì có công bằng cho các trường không thưa GS?

- Trong quyết định này, Bộ GD-ĐT đã rất đúng đắn khi chủ yếu căn cứ vào tiêu chuẩn của đội ngũ giảng dạy. Tôi cho rằng, đây là điều kiện số 1 và tiên quyết, quan trọng nhất quyết định đến việc dạy và học ở các trường đại học.

Ông cha ta đã có câu “không thầy đố mày làm lên”. Câu này luôn đúng trong mọi thời cuộc. Người thầy đảm nhiệm chức năng hướng dẫn, dạy bảo sinh viên, học sinh để họ lĩnh hội kiến thức mới. Vậy khi thầy không nắm vững được kiến thức thì sinh viên cũng khó có thể có kiến thức cho mình.Còn các trường phản ứng cho rằng quyết định của Bộ GD-ĐT không phản ánh đúng tình hình của các trường đại học, ví như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, họ có đủ cán bộ có trình độ theo tiêu chuẩn mà Bộ đã đề ra như khoa Toán, Văn, Tâm lý giáo dục, … thì đề nghị bộ phải xem xét lại để đảm bảo sự thống nhất và toàn diện của quyết định.Chỉ một khi quyết định có tính răn đe thì mới có hiệu quả trong thực tế. Phải quy củ từ khâu tuyển sinh thì chất lượng giáo dục mới thực sự đi lên được.

Hậu quả tất yếu của việc mở tràn lan các ngành đào tạo...

- Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân Bộ GD- ĐT buộc phải dừng tuyển sinh với 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo đại học là do các trường quá “tham” tuyển sinh. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Đây là hiện trạng của rất nhiều trường đại học, cao đẳng.  Đồng ý là khi mở trường là phải có nguồn thu nhưng không vì thế mà lạm dụng để kiếm tiền để quên nhiệm vụ quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Giáo dục là đào tạo con người. Đào tạo làm sao để họ có nhân cách, có kiến thức, có kỹ năng để hòa nhập với guồng quay của xã hội.

Nhiều trường hiện nay có những hình thức chiêu sinh quá dễ dàng, chiêu sinh thật nhiều chỉ để thu tiền học phí. Một số trường còn mở nhiều ngành đào tạo gắn mác quốc tế, chất lượng cao với khung học phí khủng để “làm lợi” cho trường.

Những hình thức chiêu sinh này không xứng đáng được gọi là tuyển sinh mà thực chất là các trường đang tiến hành thương mại hóa giáo dục. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục nước nhà. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần có những quan tâm hơn nữa đối với công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng để giảm thiểu hiện trạng này.

- Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hệ quả phải buộc dừng tuyển sinh 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo đại học, thưa ông?

Điều này phải đặt câu hỏi với các cơ quan quản lý giáo dục. Tại sao ngay từ đầu không xem xét các điều kiện “cần” và “đủ” để thành lập trường đại học mà lại chỉ làm cho có hình thức? Một khi các điều kiện thực không có thì tránh sao khỏi các hệ lụy về sau.

Do vậy, trong tình hình hiện tại đã trót cho mở trường rồi thì phải xem xét lại. Nơi nào không đủ các điều kiện như quy định giáo dục đại học thì phải nghiêm túc đóng cửa.

Ban đầu, khi cho mở các trường đại học thì từ khâu quyết định thành lập trường đến quyết định tuyển sinh đều làm rất dễ dàng. Bởi vậy, đến lúc quyết định cho đóng cửa lại gặp rất nhiều phản ứng trái chiều từ các trường đại học đưa lại, rất khó giải quyết. Chính vì vậy, khi giải quyết hậu quả hiện tại thì nên nghiêm từ đầu để không vướng phải nhiều hệ lụy khác.

Theo tôi, dừng tuyển sinh 207 ngành của 71 cơ sở đào tạo đại học vẫn chưa đủ mà nhiều nơi, nhiều trường còn rất yếu kém. Theo như quy định mỗi một ngành phải có một tiến sĩ nhưng có trường có tới hàng chục ngành đào tạo đại học mà chỉ có 1 tiến sĩ thì rõ ràng là thiếu trầm trọng. Ta đã mắc sai phạm ngay từ đầu thì chất lượng giáo dục không thể đảm bảo được.

Trân trọng cảm ơn GS!

Theo Một thế giới

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news