Tin mới

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Con dấu gỗ không thể thay thế lời phê"

Thứ tư, 29/10/2014, 15:01 (GMT+7)

Trước tình trạng nhiều giáo viên tiểu học khắc hàng chục dấu gỗ để đóng vào bài làm của học sinh thay cho điểm và lời phê cụ thể, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, những “lời khen gỗ” ấy đang “gỗ đá hóa” trí tuệ, tâm hồn của những người vẫn được xã hội trân trọng gọi là “kỹ sư tâm hồn”.

Trước tình trạng nhiều giáo viên tiểu học khắc hàng chục dấu gỗ để đóng vào bài làm của học sinh thay cho điểm và lời phê cụ thể, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, những “lời khen gỗ” ấy đang “gỗ đá hóa” trí tuệ, tâm hồn của những người vẫn được xã hội trân trọng gọi là “kỹ sư tâm hồn”.

Giáo viên đang phải lao động quá sức

 Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với việc áp dụng thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, giáo viên tiểu học đang phải hoàn thành khối lượng công việc quá lớn.

“Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một lớp học tối đa chỉ có 40 học sinh nhưng trên thực tế, các lớp ở thành phố thường có đến 50 - 60 học sinh. Ở những trường tốt, trường điểm, học sinh lại càng đông. Bù lại cho việc không chấm điểm, giáo viên phải hoàn thành quá nhiều nhận xét, lao động của người giáo viên vì thế mà quá nặng", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Clip GS.TS Nguyễn Minh Thuyết :Sử dụng dấu gỗ để nhận xét sẽ "lợi bất cập hại"

GS.TS Thuyết cho rằng, việc dồn gánh nặng lên vai giáo viên sẽ khiến họ rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ. “Chỉ riêng cặm cụi phê giấy tờ đã không có thời gian. Như vậy, giáo viên sẽ không còn đủ thời gian để rèn luyện về chuyên môn cũng như quan tâm đến học sinh nữa. Dần dần, những lời phê của giáo viên cũng chỉ mang tính hình thức”, ông giải thích.

Sử dụng dấu gỗ để nhận xét: Lợi bất cập hại

Để giảm tải khối lượng công việc “chất như núi” khi bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học, các giáo viên đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, trong đó có việc sử dụng những con dấu gỗ để đóng nhận xét vào bài làm của học sinh. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc sử dụng con dấu sẽ “lợi bất cập hại”.

Theo ông, những “lời khen gỗ” rất chung chung, vô hồn. “Con dấu gỗ không thể thay thế lời phê. Nhà giáo phải dành cả trí tuệ, tình cảm của mình vào từng lời phê thì lời phê ấy mới có tác dụng giáo dục, động viên học sinh”.

Cũng theo nhận định của ông, việc sử dụng con dấu để nhận xét sẽ không phù hợp cho mọi tình huống. Chỉ cho ra, cho đúng ưu, khuyết điểm cụ thể trong từng bài làm là việc các con dấu gỗ không bao giờ làm được.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết từng có nhiều năm dạy học, ông tâm sự: “Tôi rất chú trọng đến những lời phê dành cho sinh viên. Tôi đắn đo từng lời để phê cho chính xác và lời phê có tác dụng giúp đỡ, động viên học trò. Thực tế cho thấy chấm bài càng kỹ, phê càng chính xác thì học trò càng tiến bộ”.

GS.TS Thuyết cũng cho rằng, không nên công thức hóa đến mức lúc nào cũng dùng các dấu hiệu bông hoa, lá cờ, hình mặt cười, mặt mếu để thay cho điểm số, lời phê. Dù học sinh có thể hiểu ý nghĩa của những dấu hiệu này nhưng nhiều lúc sẽ không hiểu vì sao được khen, vì sao bị chê, khen chê ở mức nào.

Trả lời câu hỏi liệu học sinh có thể thuê khắc con dấu gỗ để tự đóng vào vở của mình không, GS.TS Thuyết nói: “Học sinh mấy lớp đầu cấp thì không, chứ học sinh lớp 4, lớp 5 cũng có thể làm như vậy lắm, mặc dù có khi chỉ là do nghịch ngợm thôi”.

Theo Tường Vy/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news