Tin mới

Gửi tiết kiệm 20 năm: Gửi một căn nhà, nhận 3kg thịt lợn

Thứ hai, 09/03/2015, 23:15 (GMT+7)

Lo cho tương lai con cái, cũng là để phòng hoạn nạn, ông Sáu cùng vợ đã đem số tiền có giá trị bằng 1 căn nhà tích cóp nhiều năm đi gửi tiết kiệm. Sau 20 năm, ông đến ngân hàng để rút số tiền mình đã gửi thì "ngã ngửa" vì khoản tiền bằng 1 căn nhà nay chỉ có thể mua được... 3 kg thịt lợn.>> Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm bị phản ứng>> Kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng

Lo cho tương lai con cái, cũng là để phòng hoạn nạn, ông Sáu cùng vợ đã đem số tiền có giá trị bằng 1 căn nhà tích cóp nhiều năm đi gửi tiết kiệm. Sau 20 năm, ông đến ngân hàng để rút số tiền mình đã gửi thì "ngã ngửa" vì khoản tiền bằng 1 căn nhà nay chỉ có thể mua được... 3 kg thịt lợn.


 

Thông tin trên báo Kiến thức, ông Lê Minh Toán (50 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm 1980, ông công tác ở Công ty Điện lực Hà Nội, là nhân viên bậc 5/6, lương 310 đồng/tháng. Vợ ông cũng là công nhân một công ty Nhà nước. Hai vợ chồng nuôi ba người con bằng lương công chức. Lo cho tương lai con cái, cũng là để phòng hoạn nạn, vợ chồng tiết kiệm trong nhiều năm được 4.100 đồng gửi các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương (bây giờ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

“Hai vợ chồng tích cóp từng đồng một, 12 lần đi gửi tiết kiệm, mỗi lần từ 200 - 500 đồng”, ông Toán nhớ lại.

Ngày 14/9/1985, Nhà nước ra quyết định đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ được 1 đồng tiền mới. “Mình gửi ở Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền không ảnh hưởng, lãi suất vẫn theo quy định mà sinh lời. Những năm sau đó, hai vợ chồng bận công việc, không ra ngân hàng để kiểm tra số tiền lời lãi. Thay vào đó, tôi chăm chỉ làm thêm, đi khắp các gia đình trong khu phố sửa điện thuê, kiếm thêm tiền sinh hoạt. Còn khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng tôi cứ để đấy, phòng khi nào ốm đau, gặp chuyện bất trắc cần nhiều tiền mới ra ngân hàng rút”, chủ sổ tiết kiệm tâm sự.

đổi tiền, gửi tiết kiệm, ngân hàng nhà nước, sổ tiết kiệm

Ông Toán bên một sổ tiết kiệm còn giữ lại được. (Ảnh: Kiến thức).

Năm 2002, công việc đỡ bận bịu hơn, ông Toán cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, địa chỉ và nhiều chi nhánh đổi tên hoặc sáp nhập chi nhánh khác. Việc tìm được địa chỉ rút tiền trở nên khó khăn với ông Toán.

“Vào một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Nhà nước để hỏi, toàn gặp các anh chị nhân viên mới, họ bảo các quỹ tiết kiệm trước đây đã giải thể hoặc sáp nhập nên tôi đành quay về nhà”, chủ tiết kiệm nhớ lại.

Sau nhiều lần tìm địa chỉ để rút tiền bất thành, đầu tháng 6/2002, ông Toán làm đơn phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước Trung ương về việc gửi tiền tiết kiệm từ năm 1982 - 1985, nay muốn rút tiền nhưng không tìm thấy địa chỉ. Khiếu nại này được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết. Ngày 26/6/2002, thanh tra chi nhánh này gửi thông báo đến chủ sổ tiết kiệm, mời đến trụ sở tại số 3 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) xác minh sự việc.

Sau khi tiếp nhận bằng chứng từ chủ sổ tiết kiệm, thanh tra ngân hàng lập đoàn kiểm tra. Kết quả, xác minh được các quỹ tiết kiệm trước đây ông Toán gửi tiền nay thuộc Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam (số 10 Lê Lai, Hoàn Kiếm) và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng (số 25 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Căn cứ vào kết quả thanh tra trên, Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng lập tức rà soát các sổ tiết kiệm ông Toán trong dữ liệu ngân hàng, thông báo sẽ tính lãi theo mức cao nhất trước khi trả tiền cho chủ sổ tiết kiệm.

“Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ sẽ lấy lại được số tiền lớn sau nhiều năm gửi tiết kiệm và tốn bao thời gian khiếu nại”, ông Toán nhớ lại.

Tuy nhiên, ông Toán “ngã ngửa” khi nhận được thông báo của ngân hàng, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi gửi tiết kiệm sau 20 năm nhận được là 109.778 đồng. Số tiền lúc gửi có thể mua được căn hộ nhỏ, lúc nhận, tính cả lãi chỉ đủ mua được ba cân thịt lợn.

Ông so sánh thêm, căn hộ tập thể vợ chồng ông đang sống mua vào đầu năm 1980, giá 3.100 đồng. Cũng khi đó, mệnh giá cao nhất là tờ 10 đồng; trong khi đến năm 2002, mệnh giá cao nhất là 100.000 nghìn đồng, gấp nghìn lần.

Với số tiền ít ỏi nhận được, ông Toán không đến ngân hàng nhận. Ông tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ, cuối cùng đơn từ được trả vòng lại Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.

“Từ đó tôi bất lực, không biết kêu lên đâu”, chủ tiền tiết kiệm nói. Đến giờ, số tiền tiết kiệm trên của ông Toán vẫn nằm trong ngân hàng.

Sự việc tạm thời dậm chân tại chỗ hơn mười năm nay (từ 2002). “Thời gian này tôi luôn đau đáu phải làm sao để có được giá trị số tiền đã gửi. Nhiều lúc tôi “ăn không ngon ngủ không yên”. Rõ ràng giá trị tiền lúc gửi là lớn, đến khi nhận được cả gốc lẫn lãi thì thấp thảm hại, mặc dù nhìn vào mặt con số là lớn hơn”, ông lão phân vân.

ThS Luật Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội, người nhiều năm nghiên cứu luật tài chính – ngân hàng cho biết: Xét về khía cạnh pháp lý, việc ngân hàng trả cả gốc và lãi như trên cho ông Toán là đúng đắn, không vi phạm pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến việc ông Toán “mất tiền” là do đồng tiền bị lạm phát, mất giá. Để khắc phục tình trạng này, người gửi tiền cần kiểm soát được mức lãi suất từng thời điểm để biết cách rút, gửi tiền hợp lí, sinh lời. “Nếu gửi bằng hình thức bảo đảm vàng thì giá trị sẽ ít chênh lệch qua thời gian. Tuy nhiên hình thức này chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam”, vị luật sư nói.

Luật sư cho biết thêm, dù ngân hàng không có nghĩa vụ bồi thường cho ông Toán giá trị tiền bị mất đi, nhưng xét hoàn cảnh kinh tế khó khăn, neo đơn của vợ chồng ông Toán, phía ngân hàng có thể hỗ trợ ông thông qua các hình thức làm nhân đạo, Từ thiện.

Chịu chung hoàn cảnh như ông Toán, bà Lê Thị Bích Thủy sau 30 năm gửi tiết kiệm, với giá trị khi gửi khoảng 5 tháng lương thì khi nhận giá trị tiền gửi chỉ còn mua được 1 mớ rau.

Trước đó, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ về trường hợp bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) có khoản tiền gửi tại Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa của Ngân hàng Nhà nước VN.

Năm 1983, theo sự vận động của tổ dân phố nơi sinh sống, bà Thủy gửi tiết kiệm 270 đồng (mệnh giá thời điểm đó) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu, địa điểm lãnh tiền tại Kho bạc Nhà nước ở địa chỉ 368 Bạch Đằng, P.14, Q.Bình Thạnh.

Theo sổ tiết kiệm bà Thủy vẫn còn giữ, số tiền gửi này được chia thành hai lần, lần thứ nhất vào ngày 17-9-1983 trị giá 150 đồng và lần gửi thứ hai vào ngày 1-10-1983 là 120 đồng.

Trong trí nhớ của bà Thủy, số tiền này tương đương năm tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người.

Ngày 8-10-2014, bà Thủy đến cơ sở Bạch Đằng, hiện là Kho bạc Nhà nước Q.Bình Thạnh, để lãnh tiền tiết kiệm theo quy định lúc bà làm sổ tiết kiệm, nhưng nơi đây cho biết kho bạc không còn có nhiệm vụ này nữa mà hướng dẫn qua “Ngân hàng Công thương ở đường Đinh Tiên Hoàng”.

Theo lời chỉ dẫn trên, bà Thủy tìm đến Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh. Nhân viên ở đây cho biết đúng là trụ sở trước đây của quỹ tiết kiệm nhưng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Sau nhiều biến chuyển, Saigonbank chi nhánh Bà Chiểu chỉ tiếp nhận trụ sở, còn quỹ tiết kiệm, nơi bà Thủy gửi tiền, được chuyển về Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 7 có phòng giao dịch trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh.

Sau nhiều phép quy đổi, tính toán, ở lần xử lý thứ nhất, VietinBank đã xác định số tiền tiết kiệm của bà Thủy hiện bằng 0, do số tiền gửi thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định, nên khoản tiền trong sổ bị trừ dần đến hết.

Lần thứ 2, ngày 24/11, VietinBank đã rà soát lại, căn cứ theo các quy định hiện hành để tính toán số tiền gốc, lãi suất quy định từng thời kỳ và thực hiện chi trả tổng cộng 4.385 đồng cho bà Thủy tính đến 30/11/2014.

An Nhiên (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news