Tin mới

Hà Nội có thể sẽ cấm tiệt xe máy hoạt động trong nội đô vào năm 2025

Thứ hai, 27/06/2016, 16:26 (GMT+7)

Trong dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của thành ủy Hà Nội. Dự kiến, vào năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ cấm toàn bộ các phương tiện xe máy cá nhân hoạt động trong nội đô.

Trong dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của thành ủy Hà Nội. Dự kiến, vào năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ cấm toàn bộ các phương tiện xe máy cá nhân hoạt động trong nội đô.

Chưa đến 15 năm nữa, sau khi cấm xe máy toàn dân Việt Nam tiếp cận được dịch vụ giao thông công cộng chẳng hạn như xe buýt, tàu điện... Ảnh minh họa

Sáng nay 27/06, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội, dự thảo chương trình 06 của Thành ủy đưa ra nêu mục tiêu: "Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân".

Đây là đầu tiên nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị theo chương trình 06. Theo đó, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ôtô và 7 triệu xe máy. Như vậy chỉ trong khoảng 4-5 năm tới tình hình giao thông của Hà Nội sẽ rất phức tạp và cần có những giải pháp kịp thời.

Bí thư quận Thanh Xuân - Vũ Cao Minh cũng nhận định, đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện. Bên cạnh xe máy cá nhân, người dân đang chuyển sang dùng xe đạp điện và xe máy điện. Do đó, ông đề nghị bổ sung chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân, trong đó có xe máy, xe đạp điện, Xe máy điện… Đồng thời ông Minh cũng gợi ý nên tận dụng cả giao thông đường thủy, trong đó sông Tô Lịch là ví dụ điển hình, bên cạnh ý nghĩa văn hóa lịch sử với thủ đô, nếu cải tạo tốt vừa có thể bảo vệ môi trường vừa có khả năng giao thông đường thủy ở mức hạn chế.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT tổng công ty vận tải Hà Nội - Nguyễn Phi Thường đã đề xuất TP phải nhanh chóng xây dựng đề án phát triển xe buýt, trong đó tăng số đầu xe, đầu tuyến lên 1,5 lần so với hiện nay.

Theo ông Thường, trong những năm qua, số lượng đầu xe buýt của Hà Nội vẫn là 1.000 chiếc trong khi nhu cầu sử dụng xe buýt của nhân dân và mong muốn của thành phố là rất cao.

Thực tế trong nhiều năm qua, việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông được Hà Nội đã được đặt ra. HĐND thành phố đã 2 lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế thành phố chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào, số lượng ôtô xe máy vẫn tăng mạnh. Số liệu Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội công bố cuối năm 2015, tám tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại thủ đô lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển ngoại tỉnh vẫn hoạt động.

Khoảng trung tuần tháng 6/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các giải pháp, bổ sung việc quản lý xe taxi, xích lô, xe ba bánh, Ô tô điện, lộ trình để giảm phương tiện cá nhân... đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, báo cáo thành phố để thông qua trong tháng 6/2016.

Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đã ban hành Nghị quyết A/RES/70/260 về “Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” và kế hoạch cho Việt Nam.

Nghị quyết nêu rõ, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, mục tiêu của Việt Nam là giảm 50% số thương vong do TNGT đường bộ, tới năm 2030 bảo đảm toàn dân tiếp cận được dịch vụ giao thông công cộng.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news