Tin mới

Hà Nội lập kỷ lục về ô nhiễm không khí, AQI ở mức cực kỳ nguy hiểm

Thứ sáu, 13/12/2019, 14:18 (GMT+7)

Theo đánh giá của tất cả các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAMAir, Air Visual…, tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh đã ở mức cực kỳ nguy hại.

Tại thời điểm sáng nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu - cực kỳ nguy hại. Theo Air Visual, với AQI = 333, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua Dhaka - Bangladesh và Sarajevo, Bosnia Herzegovina, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu. Tại TP.HCM chỉ số AQI cũng khá cao (166, ở mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe).

Ứng dụng PAMAir cũng ghi nhận chỉ số AQI tại trên 50 điểm quan trắc ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên ở ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe. Chỉ số AQI đều ở mức 203-287.

Bầu trời Hà Nội chụp lúc sáng nay. Theo dự báo, chất lượng không khí tại Hà Nội trong tuần tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu.

Những điểm cao nhất như Thư viện tỉnh Hưng yên (Hưng Yên) là 272, Thư viện khu phố Trang Liệt (Từ Sơn-Bắc Ninh), Trường Trung học Cơ sở Yên Sở (Hoài Đức-Hà Nội) là 280, Thư viện huyện Hải Hậu (Nam Định) là 282, Trường Trung học Cơ sở Trung Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) là 287.

Buổi sáng sớm là lúc chất lượng không khí thường kém nhất do nhiều nguồn phát thải hoạt động cùng lúc và trời chưa có nắng, lưu chuyển không khí thấp.

Trong khi đó, bảng hiển thị mức độ ô nhiễm trên PAM Air, khu vực nội đô Hà Nội chìm trong màu tím (mức rất có hại cho sức khỏe từ 2011-300), cá biệt có những khu vực như Bắc Từ Liêm, ô nhiễm không khí ở mức 323 (mức nguy hiểm theo xếp hạng của ứng dụng này).

Theo hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, tại 556 Nguyễn Văn Cừ, chất lượng không khí tại Hà Nội sang nay xấp xỉ ngưỡng tím (AQI xấp xỉ 200, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người). Tại trạm quan trắc ở vườn hoa phường Hồng Hà, Quảng Ninh, chỉ số AQI ở ngưỡng đỏ - có hại cho sức khỏe mọi người.

Theo Tổng cục Môi trường, những ngày này, miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa, ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất trong năm.

Khoảng thời gian này, nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Cùng với việc gió lặng, hiện tượng nghịch nhiệt, việc các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ vào cuối năm, việc đào đường lát vỉa hè... cũng góp phần làm cho không khí Hà Nội thêm ô nhiễm.

Với tình hình ô nhiễm như trên, các chuyên gia khuyến cáo nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, đóng các cửa. Người khác hạn chế ra ngoài, không tập thể dục buổi sáng ngoài trời, nên đeo khẩu trang chống bụi mịn.

Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục. Báo cáo môi trường quốc gia của GreenID cũng chỉ ra, mùa đông Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè, khi các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh với chỉ số ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại trong một số thời điểm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news