Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đưa tin, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa ban hành Quy định số 86/QĐ-BCH về việc chuẩn bị dụng cụ, vật tư và hoạt động của đội tuần tra canh gác trên các điếm canh đê phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa lũ năm 2018.

Một điếm canh đê trên địa bàn huyện Hoài Đức

Theo đó, ngoài quy định, dụng cụ, vật tư tại mỗi điếm canh đê; quy định tài liệu trên điếm canh đê..., điểm đáng chú ý: Đội tuần tra canh gác bảo vệ đê điều phải chấp hành sự phân công của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên trách quản lý đê điều. Tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê trong mùa lũ đối với tuyến sông có đê. Theo dõi diễn biến của đê điều; phát hiện kịp thời những hư hỏng của đê điều và báo cáo ngay cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã, cán bộ chuyên trách quản lý đê điều phụ trách tuyến đê đó và khẩn trương tiến hành xử lý giờ đầu theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Kinh tế đô thị cho biết, bên cạnh đó, tham gia xử lý sự cố và tu sửa kịp thời những hư hỏng của đê điều, dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ chuyên trách quản lý đê điều hoặc ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Canh gác, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai và báo báo ngay cán bộ chuyên trách quản lý đê điều. Đeo phù hiệu khi làm nhiệm vụ.

Quy định cũng đề cập cụ thể thời gian và phân công lực lượng trực ban, phòng chống thiên tai. Theo đó, khi không có báo động lũ, các địa phương cần bố trí ít nhất 2 người thường trực tại điếm canh đê.

Khi có báo động lũ ở cấp I: Bố trí ngày 2 người, đêm 4 người. Ban ngày ít nhất sau 4 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp có 1 người. Ban đêm ít nhất sau 4 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp có 2 người.

Khi có báo động lũ ở cấp II: Bố trí ngày 4 người, đêm 6 người. Ban ngày ít nhất sau 2 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp 2 người. Ban đêm ít nhất sau 2 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp 3 người.

Related image

Trường hợp có tin bão khẩn cấp đổ bộ vào khu vực: Bố trí ngày 6 người, đêm 12 người, chia thành các kíp, mỗi kíp 3 người; tùy theo diễn biến của bão, lũ và đặc điểm của tuyến đê, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiêm cứu nạn cấp xã quyết định việc tăng cường số lần kiểm tra so với quy định.

Nếu có báo động lũ ở cấp III trở lên: Bố trí ngày 6 người, đêm 12 người, chia thành các kíp, mỗi kíp 3 người, không phân biệt ngày đêm các kíp phải liên tục thay phiên nhau kiểm tra. Đối với các vị trí xung yếu của đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, bố trí thêm lực lượng để kiểm tra, phát hiện sự cố và báo cáo kịp thời...

Trang Vũ (tổng hợp)