Tin mới

Hải chiến Gạc Ma: Những người lính trở về cùng...giấy báo tử

Thứ hai, 14/03/2016, 14:05 (GMT+7)

Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng những người lính may mắn trở về trong trận hải chiến Gạc Ma vẫn giữ “khư khư” tờ giấy báo tử bên mình như một báu vật.

Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng những người lính may mắn trở về trong trận hải chiến Gạc Ma vẫn giữ “khư khư” tờ giấy báo tử bên mình như một báu vật.

Những người lính sống cùng... giấy báo tử

Đầu tháng 3/1988, ông Nguyễn Văn Thống (SN 1965), trú xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cùng đồng đội nhận lệnh ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ biển đảo tổ quốc.

Sáng sớm ngày 14/3, khi hàng trăm người lính đang tập trung xây dựng tại đảo Gạc Ma, tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ tiến đến bắn đạn xối xả vào tàu HQ604.

Khi đó, đã có rất nhiều đồng đội của ông Thống bị trúng đạn hy sinh. Ông Thống bị thương, may mắn thoát ra từ cabin rồi bám chắc vào một thanh gỗ trôi dạt trên biển. Đến chiều ngày 14/3, anh Thống bị Trung Quốc phát hiện và bắt giữ về đảo Lôi Châu.
Chia sẻ với báo Người Đưa Tin, ôngThống nhớ lại: “Trung Quốc bắt tất cả 9 người, mấy ngày sau tôi tỉnh lại thì nhận ra hai người đồng hương là ông Mai Xuân Hải ở xã Liên Trạch và ông Lê Văn Đồng, xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch).

Tấm ảnh kỷ niệm các cựu binh Nguyễn Văn Thống (đeo kính, đứng thứ 3 từ trái qua), Mai Xuân Hải (ngồi thứ hai, từ phải sang), Lê Văn Đồng (đứng thứ 2, từ trái sang) cùng các đồng đội được Trung Quốc trả tự do về Việt Nam.

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã miền núi Liên Trạch, ông Mai Xuân Hải ngồi trầm ngâm, nhớ lại những lần mình cùng đồng đội bị Trung Quốc tra hỏi.

“Chúng tôi bị Trung Quốc nhốt biệt lập mỗi người một phòng. Khoảng 2 tháng đầu, chúng liên tục tra hỏi thông tin của quân đội mình đóng ở đâu, ai chỉ huy....

Tôi trả lời không biết, vì chúng tôi chỉ là những người lính, được nhận nhiệm vụ ra dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thấy tra hỏi mãi cũng không khai thác được thông tin gì nên sau đó chúng không còn hỏi cung nữa”, ông Hải nhớ lại.

Trong khoảng thời gian ấy, người nhà ông Thống, ông Hải, ông Đồng đều nhận được giấy báo tử. Những chiếc bàn thờ kèm theo di ảnh được lập vội trong tiếng khóc nghẹn ngào của cha mẹ, anh em...

28 năm trôi qua, ông Nguyễn Văn Thống cùng đồng đội vẫn giữ giấy báo tử như một kỷ vật của mình.

Đến ngày 28/8/1991, sau 3 năm, 5 tháng, 15 ngày bị Trung Quốc giam giữ, 9 người lính công binh được trao trả về biên giới Việt Nam.

Ông Thống, ông Hải, ông Đồng... trở về trong sự vui mừng, ngỡ ngàng của người thân.
“Khi tôi về, vẫn thấy di ảnh, bàn thờ của mình trong nhà. Tôi hỏi mẹ sao không dọn bàn thờ đi. Mẹ tôi nói, muốn để tôi tự tay dọn”, ông Thống nhớ lại.

Bên tấm giấy báo tử đã ngả màu thời gian, ông Hải bảo: “Gần 30 năm rồi nó tồn tại song hành cùng chúng tôi, nhắc nhở chúng tôi được may mắn sinh ra lần thứ hai”.

Chật vật với cuộc sống thường ngày

Trở về quê nhà được một thời gian, các cựu binh Gạc Ma lần lượt lập gia đình, nhưng hầu hết các ông đều vất vả, chật vật với cuộc sống mưu sinh.

Khi chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Lục, trú thôn Trung Thủy (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn), một người may mắn trở về từ cuộc hải chiến Gạc Ma thì ông không có ở nhà.
Bà Lê Thị Gái (vợ ông Lục) cho biết: “Để có tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, ông Lục phải vào Đồng Hới làm phụ hồ, thi thoảng mới về thăm nhà một lần”.

Cùng chung hoàn cảnh với các cựu binh khác, do ảnh hưởng bởi vết thương, từ ngày trở về quê, ông Mai Xuân Hải không làm được các công việc nặng nhọc, vì vậy, mọi việc đều do bà Đinh Thị Diện (vợ ông Hải) một tay gánh vác.

Đến nay, cựu binh Mai Xuân Hải vẫn phải chật vật với cuộc sống.

Thu nhập từ vài sào ruộng không đủ để nuôi cả nhà nên hàng ngày, bà Diện phải vào rừng vác bạch đàn thuê với số tiền 150 nghìn đồng/ngày trang trải cuộc sống.

Vợ chồng ông Hải có 3 người con, trong đó, đứa con thứ hai là cháu Mai Tiến Duẩn chỉ học hết lớp 10 thì nghỉ học. Hiện, Duẩn nhập ngũ vào đơn vị cũ của bố là Lữ đoàn 83, Hải quân Vùng 3 tại Sơn Trà, Đà Nẵng.

“Trở về sau trận chiến Gạc Ma, trên người tôi vẫn còn sót lại một mảnh đạn dưới gót chân trái. Sức khỏe yếu cộng thêm mỗi lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, người đau ê ấm nên tôi không thể làm gì được nhiều để giúp đỡ vợ con”, cựu binh Hải tâm sự.

Về phần cựu binh Nguyễn Văn Thống, sau khi trở về quê hương, ông lập gia đình với một người cùng quê.

Sống giữa thời bình, nhưng do mang trên mình nhiều thương tật, ông Thống cùng vợ phải chật vật với cuộc mưu sinh. Hàng ngày, ngoài khoản trợ cấp của nhà nước, ông Thống mở hàng sửa xe đạp để có đồng ra, đồng vào nuôi con.

Đến nay, thấy tuổi đã cao, sức khỏe yếu đi, ông lại chuyển sang phụ vợ bán gạo ở chợ. Hai người con trai đều đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng chưa có việc làm, khiến ông thêm lo lắng bội phần.

Ngô Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news