Tin mới

Hàn Quốc có bỏ Mỹ để đến với Trung Quốc?

Chủ nhật, 06/07/2014, 17:55 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng “thân nhau” hơn. Điều này sẽ đi đến đâu?

(Tinmoi.vn) Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng “thân nhau” hơn. Điều này sẽ đi đến đâu?

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ cố gắng hoàn thành các chuyến thăm cấp nhà nước trong vòng 1 năm . Đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng cường mối quan hệ đáng kể giữa Seoul và Bắc Kinh, đặc biệt là việc ông Tập Cận Bình vẫn chưa tới thăm Bình Nhưỡng hay mời ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh.

Tương tự như vậy, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Seoul và Tokyo đã biến mất khi mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh được tăng cường. Điều này đặt ra cho Tokyo một câu hỏi rằng liệu có phải Seoul ngày càng “thân” Bắc Kinh cũng giống như Mỹ với Nhật Bản. Nhưng, bất chấp mối quan hệ thương mại đang phát triển giữa Seoul và Bắc Kinh đang ngày một lớn mạnh hơn nhiều so với tổng giá trị thương mại giữa Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản, ông Tập và bà Park có thể đưa mối quan hệ Trung-Hàn đi đến đâu và có mục đích gì trong tương lai?

Đối với Seoul, phần thưởng chiến lược đến từ việc Bắc Kinh đồng ý để Seoul giữ vai trò lãnh đạo trong việc thống nhất bán đảo Triều Tiên. Điều này được duy trì như mục tiêu chính của Hàn Quốc trong mối quan hệ với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Roh Tae-woo bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thông qua Chính sách Nordpolitik trong những năm 1990.

Khi mà Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Seoul, thì quan hệ thương mại với Hàn Quốc đã tăng hơn 35 lần trong 2 thập kỷ qua, lãnh đạo Trung Quốc đã phải miễn cưỡng “ruồng bỏ” Bình Nhưỡng để đến với Seoul.

Trung Quốc từng bảo vệ Bình Nhưỡng trước sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế sau khi nước này nã pháo vào đảo Yeonpyong năm 2010. Các thành viên đứng đầu Bộ Chính trị Trung Quốc đã công khai xuất hiện tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh để gửi lời chia buồn trước cái chết của Kim Jong-il năm 2011. Nhưng kể từ khi Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba giữa quá trình chuyển giao quyền lực của ông Tập Cận Bình vào đầu năm 2013, mối quan hệ chính trị giữa 2 nước đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã vô cùng sốc trước việc Kim Jong-un thanh trừng người chú của mình – Jang Song-taek – người từng được Bắc Kinh tiếp đón nồng nhiệt trước đó.

Hàn Quốc có bỏ Mỹ để đến với Trung Quốc?

Liệu Tập Cận Bình có làm thỏa mãn chiến lược mà Hàn Quốc đang khao khát đó là hy sinh Kim Jong-un? Có lẽ là không, khi mà Hàn Quốc vẫn đang là một đồng minh của Mỹ. Và Trung Quốc sẽ không đánh giá sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên cao hơn so với mục tiêu phi hạt nhân hóa của Mỹ và mục tiêu tái thống nhất của Hàn Quốc.

Đối với Bắc Kinh, lợi ích đạt được từ chuyến thăm Seoul, bên cạnh việc gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng, chuyến đi này còn đảm bảo sự hợp tác giữa Seoul và Bắc Kinh để cùng lên án Nhật Bản.

Không có nghi ngờ gì khi chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới đền Yasukuni vào cuối tháng 12 năm ngoái đã làm khuấy động nỗi oán hận trong công chúng và dấy lên sự ngờ vực với mối quan tâm trong tương lai của Nhật Bản ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chính phủ và công chúng cả hai nước sẽ tiếp tục theo dõi những động thái phòng thủ giống như diều hâu của ông Abe khi Nhật Bản vi phạm giới hạn chi tiêu quốc phòng chiếm 1% GDP do nước này tự áp đặt và bắt đầu trở lại tranh luận về quyền tự vệ tập thể của mình.

Bất chấp việc Trung Quốc đột ngột xây dựng bảo tàng tưởng niệm nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, cho đến nay, Hàn Quốc vẫn từ chối “trò chơi bên ngoài” – sử dụng các kết quả đàm phán từ hội nghị thượng đỉnh để cùng Bắc Kinh chống lại Nhật Bản. Phía Seoul ủng hộ “trò chơi bên trong” – yêu cầu Mỹ can thiệp vào vấn đề này. Cách tiếp cận này rõ ràng cho thấy Hàn Quốc đang sử dụng liên minh với Mỹ như hàng rào chắn và nền tảng giúp tăng cường sức mạnh ngoại giao của mình trong các quan hệ chiến lược với Trung Quốc thay vì đổi liên minh này lấy một cuộc đàm phán để nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc thống nhất đất nước.

Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã kéo Bắc Kinh và Seoul lại gần nhau hơn bao giờ hết. Nhưng ý nghĩa chiến lược của mục đích chung và chia sẻ lợi ích chung giữa hai nước vẫn còn thiếu. Kết quả là, trong khi mối quan hệ Trung-Hàn mạnh hơn có thể mang lại lợi ích chung trong một số vấn đề thì vẫn còn những giới hạn rõ ràng trong sự phát triển chính trị và quan hệ chiến lược giữa 2 nước.

Bảo Linh (Theo tin tức từ Thediplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đồng minh