Tin mới

Hàng chục học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Biểu hiện và cách phòng tránh

Thứ bảy, 16/03/2019, 08:51 (GMT+7)

Sau khi xuất hiện thông tin hơn 400 học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương để xét nghiệm sán dây lợn, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng cho con em mình.

Chiều qua, thông tin với PV Trí thức trẻ, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều - Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trong ngày 15/3 đơn vị đã tiếp nhận xét nghiệm cho 135 trẻ quê xã Mão Điền và Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Qua kiểm tra ban đầu xác định có 13 trẻ cho kết quả dương tính với sán lợn.

Theo BS Thiều, trung bình Viện một ngày tiếp nhận từ 80 - 100 người đến thăm khám. Tuy nhiên, ngày hôm nay đơn vị đã tiếp nhận khoảng 200 người đến xét nghiệm đến kiểm tra.

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc mắc bệnh sán lợn, BS Thiều cho bay: Bệnh sán lợn mà người dân mắc có thể là ăn phải trứng sán có nước, đất (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Khi vào cơ thể chúng sẽ phát triển thành ấu trùng sán lợn gây nguy cơ hiểm cho cơ, não, mặt dưới da.

Các biểu hiện về sán trưởng thành có thể gây rối loạn tiêu hoá, người bệnh đi ngoài phân có đốt xám.


Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Hình ảnh sán lợn được xổ ra từ ruột người bệnh.

Trường hợp bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm. Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.

Nang sán lợn hình thành trên da.

Để phát hiện ấu trùng sán lợn ở não, ở cơ thì phải qua xét nghiệm dưới da hoặc chụp cộng hưởng từ, CT não để phát hiện bệnh.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.

Nếu mắc bệnh sán trưởng thành thì điều trị bằng thuốc đặc hiệu, còn nếu bị ấu trùng sán lợn thì thời gian điều trị dài ngày hơn, có bệnh nhân từ 4 - 5 đợt.

Trong quá trình điều trị phải theo dõi bằng các xét nghiệm. Ấu trùng sán lợn nguy hiểm nhất là vào não và vào tim. Nếu vào não có thể gây co giật và ảnh hưởng sức khoẻ và biến chứng sau này.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - chuyên gia về ký sinh trùng, nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng 50 tỉnh lưu hành sán lợn hay còn gọi sán dải lợn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news